Wednesday, August 5, 2009

Nhân 45 năm sự kiện Vịnh Bắc Bộ và tàu Maddox: CSVN ngày nay có hải chiến được như ngày xưa?

Nhân 45 năm sự kiện Vịnh Bắc Bộ và tàu Maddox: CSVN ngày nay có hải chiến được như ngày xưa?
Tuesday, August 04, 2009

Bản đồ hải chiến giữa khu trục hạm Maddox với 3 phóng lôi hạm Bắc Việt. (Hình: Theo Naval History Center)

Hoàng Phố & Ðinh Quát/Người Việt

Sự kiện vịnh Bắc Bộ của đúng 45 năm trước đây, được nhà cầm quyền Việt Nam xem như chiến thắng hải chiến đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại sự kiện này, trong bối cảnh của vịnh Bắc Bộ và biển Ðông ngày hôm nay, một câu hỏi lớn cần đặt ra là: Liệu ngày hôm nay, nếu có một cuộc hải chiến nữa trên biển Ðông, Hải Quân của Quân Ðội Nhân Dân có đạt được mục tiêu của một “chiến thắng hải chiến đầu tiên” như xưa nữa không?

Báo Người Việt đặt câu hỏi này với ba nhân vật liên quan đến sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày trước: Cựu Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu Ðại Sứ Bùi Diễm, và một sĩ quan Hải Quân miền Bắc Việt Nam từng trực tiếp tham gia trận đánh tàu Maddox, cựu Ðại Tá Quách Hải Lượng.

Hải chiến - xưa
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ diễn ra năm 1964, khi tàu chiến USS Maddox của Hoa Kỳ bắn nhau với tàu chiến Bắc Việt, trong vùng hải phận quốc tế ngoài khơi Thanh Hóa.

Khi sự kiện đó xảy ra, cựu Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại đang là thiếu tá tư lệnh Vùng II Duyên Hải, Bộ Tư Lệnh đặt tại Nha Trang. Ông kể lại với báo Người Việt:

“Lúc bấy giờ tôi biết là Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa có dính líu đến vụ Maddox. Sau này, giữa năm 1966, khi được đưa ra làm chỉ huy trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải, trách nhiệm về các công tác xâm nhập Bắc Việt bằng đường biển, tôi mới được xem các tài liệu và biết rằng, nội lệnh cho các chiến đĩnh của sở hoạt động Bắc vĩ-tuyến 17 rằng, nếu xẩy ra hải chiến với địch quân và có thương vong thì có thể đưa ra Ðệ thất Hạm đội của Hoa Kỳ để chữa trị”.

Ông nói thêm, “Việc chiến hạm Maddox của Hoa Kỳ bị bắn là do chiến đĩnh của Hải Quân Bắc Việt nhầm lẫn với chiến đỉnh của Sở Phòng Vệ Duyên Hải Việt Nam Cộng Hòa bắn phá Hòn Mê ngoài khơi Thanh Hóa đêm hôm trước. Chi tiết ra sao tôi không nhớ rõ. Tài liệu của phía Hoa Kỳ được giải mật sau này cũng không nói rõ. Tôi có cảm tưởng vẫn còn nhiều sự kiện chưa được tiết lộ.”

Sau vụ tàu chiến miền Bắc và tàu Maddox bắn nhau, người dân Hoa Kỳ đã xem đó là hành động khiêu khích, tấn công vào quân lực Mỹ, và Quốc Hội Mỹ đã phản ứng thật mạnh, bỏ phiếu cho phép tổng thống Mỹ trút quân vào Việt Nam, mở màn cho chiến sự lan rộng.

Cựu Ðại Sứ Bùi Diễm, khi đó đang làm báo Saigon Post, đã tình cờ có mặt ở thủ đô nước Mỹ khi sự kiện này xảy ra. Ông cho báo Người Việt biết: “Ðúng thời điểm đó, tôi được chứng kiến ngay tại Quốc Hội Mỹ, các vị dân cử đang họp nhằm thảo luận và biểu quyết bản nghị quyết nói về việc tầu chiến của Bắc Việt tấn công chiến hạm của Hoa Kỳ tại Vịnh Bắc Bộ. Lúc bấy giờ, Tổng Thống Johnson kêu gọi Quốc Hội thông qua bản nghị quyết để Hành Pháp toàn quyền hành động bằng quân sự đối với Bắc Việt. Kết quả biểu quyết tại Quốc Hội, 98 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận, chỉ có hai phiếu chống. Hạ Viện, toàn thể 435 dân biểu bỏ phiếu tán thành bản nghị quyết, không một ai chống đối.”

Ông miêu tả dư luận Hoa Kỳ khi đó: “Dư luận quần chúng Mỹ lúc bấy giờ nổi lên phong trào chống đối Cộng Sản tấn công tầu chiến của Hoa Kỳ. Báo chí Mỹ cũng cùng quan điểm và ủng hộ bản nghị quyết của Quốc Hội.”

Trong khi đó, ngay trên Vịnh Bắc Bộ, cựu Ðại Tá Quách Hải Lượng đã có mặt và tham gia bắn nhau với tàu Maddox. Ông hiện đã về hưu và sống tại Hà Nội. Qua điện thoại, ông kể lại sự việc cho đặc phái viên báo Người Việt:

“Thật ra ba tàu chiến của ta chỉ là những tàu rất kém được điều từ Thanh Hóa ra, ba cái tàu phóng lôi này nếu so với tàu Ma Ðốc của Mỹ thì làm sao so được. Tuy thế khi nghe tin tàu Ma Ðốc vào hải phận của mình thì do tinh thần hăng hái chứ bên trên không chỉ đạo cụ thể là đánh thế này hay đánh thế kia một cách gì cả. Trên chỉ cho biết nếu có lệnh mà địch đến thì mình đánh. Với tinh thần đấy thì hải quân thuộc vùng Thanh Hóa là nơi gần sự xuất hiện của tàu Mỹ cho ba tàu này ra chống trả. Thế nhưng chưa đến nơi thì tàu Mỹ nó đánh phủ đầu bằng những loạt đạn kinh lắm nhưng không biết sao anh em vẫn xông tới. Thử bắn mấy quả đều trượt cả.”

Ông miêu tả thêm:

“Tôi muốn vẽ ra một cảnh như thế này cho anh hiểu thêm. Thường thì trong các cuộc hải chiến, tàu bị tấn công cố gắng thu mình lại bằng cách đối điện trực tiếp với tàu địch càng thẳng bao nhiêu thì cơ thể của chiếc tàu mình càng nhỏ bấy nhiêu vì nếu nằm ngang với nó thì toàn thân tàu xuất hiện nguyên vẹn và làm bia tốt cho họ bắn, vì thế phải cố mũi đối mũi với tàu địch khi bị tấn công.”

“Trong lần này thì tàu của ta xoay xở thế nào đấy mà bắn thẳng vào sườn nó nhưng vẫn cứ trượt!,” vị cựu đại tá nói. “Cuối cùng thì một chiếc bị trúng ở mũi, đầu tàu của nó chúc xuống. Lúc ấy thì tàu của mình tiến gần khoảng mấy trăm mét thôi, hai bên binh lính nhìn nhau, buồn cười lắm... đánh nhau nó có cái lạ như thế. Hai bên bắn bừa vào nhau, mình bắn nó, nó bắn mình... cuối cùng thì mình rút về và có một cái tàu hỏng nằm gần đấy... lúc quay trở về thì máy bay nó đuổi ghê quá nhưng cũng may là thoát hiểm.”

Những cú bắn “buồn cười lắm” của cựu Ðại Tá Quách Hải Lượng, tuy nhiên, đã là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến ở Việt Nam. Phản ứng của Quốc Hội Hoa Kỳ đã dẫn đến việc Hoa Kỳ leo thang đáng kể trong chiến cuộc.

Tại Sài Gòn, phản ứng của chính phủ Hoa Kỳ được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hoan nghênh. Cựu Ðại Sứ Bùi Diễm cho biết: “Lúc bấy giờ dù ở Hoa Thịnh Ðốn, tôi vẫn liên lạc với Sài Gòn và ghi nhận rằng chính phủ rất vui mừng vì thấy chính phủ và dư luận Mỹ đã có thái độ quyết liệt đối với hành động khiêu khích của Bắc Việt. Khi tôi trở về Sài Gòn vào tuần lễ thứ nhì của Tháng Tám năm 1964, tôi thấy chính phủ đã biết là Hoa Kỳ chắc chắn sẽ can thiệp và giúp đỡ mạnh mẽ Việt Nam Cộng Hòa chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản miền Bắc.”

Hải chiến - nay
Bốn mươi lăm năm sau, Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm “chiến thắng trận hải chiến đầu tiên” này. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, trong những sự kiện đang liên tiếp xảy ra trong Vịnh Bắc Bộ và trên biển Ðông, liệu có hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam lại có được một “chiến thắng hải chiến đầu tiên” nữa không?

Cựu Ðại Tá Quách Hải Lượng cho biết về tình hình trang bị của hải quân trong nước: “Hiện nay đã khá hơn rồi nhưng thú thật rằng vẫn không thể gọi là hiện đại được, ta đã có tàu phóng lôi, có tàu tên lửa. Ðã có tàu ngầm, tàu săn ngầm và một số tàu khác.”

Ông cho rằng Hải Quân Việt Nam ngang tầm Indonesia và Singapore, “tuy các loại tàu này chưa phải là thế hệ mới nhất.”

Ðược hỏi ý kiến so sánh tương quan lực lượng giữa Việt Nam trong nước với nước láng giềng Trung Quốc, cựu Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại bi quan:

“Trong tình hình hiện nay, nếu xẩy ra một trận hải chiến giữa Hải Quân của Cộng Sản Việt Nam và Hải Quân của Cộng Sản Trung Quốc, theo nhận định của tôi, phía Việt Nam chỉ có thể cầm cự một thời gian ngắn chứ không thể chiến thắng được, vì lực lượng đôi bên quá chênh lệch”.

Cựu Ðại Tá Quách Hải Lượng cũng thừa nhận lực lượng quá chênh lệch so với Trung Quốc. Ông miêu tả tình hình hải quân miền Bắc trong chiến tranh:

“Tôi nói thật một điều là Mỹ đã diệt hầu hết Hải Quân của mình! Họ tiến vào các dòng sông tận sát trên Trường Sơn chứ không riêng gì ở biển. Lúc bấy giờ Hải Quân của mình kiệt quệ đến mức ghê gớm, mãi cho đến sau năm 1973 thì ta phục hồi lại và mua tàu ở các nơi về và cũng có sự giúp đỡ của nhiều nơi nhưng nhìn chung thì tất cả các tàu này đều kém, đã sản xuất từ Ðại Chiến Thứ Hai chứ chưa phải là tàu hiện đại thật sự. Cho đến năm 1975 thì lực lượng mình khá lên một ít rồi, nhưng vẫn không thể nói là hiện đại.”

Tuy nhiên, ông khẳng định vũ khí hiện đại chưa hẳn quyết định thắng thua. Ông nói về vụ bắn nhau với tàu Maddox:

“Chỉ có tinh thần thôi, anh em cứ thấy giặc tới là đánh thôi chứ không có cách nào khác. Cái ý chí của anh em làm nên chiến thắng. Tinh thần yêu nước của anh em khiến họ không sợ chết chứ không phải cấp trên chỉ đạo giỏi hay chiến thuật chiến lược gì ghê gớm cả.”

Cũng với ý đó, được hỏi “giả sự có một cuộc hải chiến với Trung Quốc,” ông nói:

“Tôi chắc chắn rằng cho dù Trung Quốc có hùng hậu tới đâu thì cũng bằng Mỹ là cùng, và tinh thần chiến đấu của dân tộc ta mới đáng nói. Từ nhiều ngàn năm trước chứ đâu phải đến bây giờ. Trung Quốc cũng biết điều này và họ không dại gì phát động một cuộc chiến mà họ chưa chắc nắm phần thắng. Tinh thần chiến đấu chứ không phải vũ khí làm nên chiến thắng đâu.”

No comments:

Post a Comment