Tuesday, July 28, 2009

Hồi tưởng Chuyến giải cứu phi công Hoa Kỳ lần thứ III (Bài cuối)


Phong Trần
Thursday, July 26, 2007
Hồi tưởng Chuyến giải cứu phi công Hoa Kỳ lần thứ III, tại Quốc Lộ 9, Quảng Trị, Tháng Tư, 1972 (Mùa Hè Ðỏ Lửa)
(Ðể tưởng nhớ về các chiến hữu đang sống lây lất cùng cực trên quê hương thân yêu)
LTG.- Thời gian đã trôi qua trên ba mươi năm nên trí nhớ phần nào mai một theo tuổi tác. Bài hồi ký được viết bằng trí nhớ và với chứng kiến của một số bạn bè trong một cuộc góp ý. Ngoài cố vấn Tom Norris UDT Seal ra, các nhân viên toán Biệt Hải tham dự trong chuyến “BAT- 21” hiện tất cả còn sống: Một ở Việt Nam, một ở Úc Châu và ba tại Hoa Kỳ, kể cả tác giả. Tuy nhiên, vấn đề thời gian trong các đoạn viết không được chính xác lắm, mong các bạn tham gia trong chuyến sẵn lòng tha thứ và giúp bổ khuyết. Chúng tôi hi vọng các chiến hữu đại đội thuộc Sư Ðoàn 3 Bộ Binh ở tiền đồn, những người đã góp phần và chứng kiến công tác Biệt Hải giải cứu phi công Hoa Kỳ tại sông Hiếu Giang thuộc cực Bắc Cam Lộ, Quảng Trị Tháng Tư năm 1972 sẽ đọc được bài này. Và không quên cám ơn huynh trưởng Trần Ðỗ Cẩm giúp cung cấp một số tài liệu để nội dung phong phú, chính xác hơn.
Phong Trần
(Tiếp theo)
Ðêm nay cả vùng Cam Lộ tối đen như đêm 30 Tết. Không gian hết sức tĩnh lặng. Những đọt cây lớn nhỏ đều đứng yên bất động. Bầu trời không một gợn mây. Vài ngôi sao lưa thưa xuất hiện chiếu ánh sáng li ti như đom đóm lạc loài trong đêm, chứng tỏ thời tiết miền Trung sắp sửa bước sang Mùa Hè oi bức càng làm cảnh vật trong vùng cô tịch một cách đáng ngại chỉ trừ hơi thở đều đặn người phụ tiền sát đang nằm kế cận, hòa lẫn tiếng nước róc rách do dòng thủy triều ồ ạt chảy ra hướng Cửa Việt.
Bất chợt phía trên chính giữa dòng sông tôi phát giác một vật đen lờ mờ xuất hiện, bập bềnh theo dòng nước trôi xuống rất nhanh mỗi lúc càng gần. Ít phút sau đã nhìn được hình thể chiều dài của vật đen khá rõ rệt vụt ngang qua chỗ hai đứa. Sở dĩ trông thấy trước vì hai tiền sát đi đầu hiện nằm vị trí phía trong cùng. và nghe tiếng thở phì phào rất rõ như tiếng trâu bò lội dưới nước ban đêm phát xuất từ vật đen. Quá khả nghi, tôi khều Tất ra hiệu hãy bò thật nhanh thông báo cho trưởng toán Thọ biết để ông kịp thời quyết định. Ít phút sau ở đầu kia đã nghe tiếng sột soạt của Tom Norris đang xỏ chân nhái phóng xuống dòng sông lội theo. Khoảng hai mươi phút sau chúng tôi thấy ông lội trở lại vị trí của toán. Có lẽ dòng nước đang đà chảy mạnh xô đẩy vật đen trôi xa làm Tom Norris không tài nào theo kịp.
Tất cả sự việc xảy quá đột ngột khoảng khắc ngắn ngủi nên anh em trong toán chẳng ai kịp hành động. Hơn nữa đây lần đầu tiên toán Biệt Hải được tham dự công tác vớt người kiểu nầy. Dù vậy cả toán vẫn nằm án binh bất động đợi lệnh.
Tuy không nói ra nhưng thâm tâm mọi người nhất là phần tôi vẫn đinh ninh lúc nãy vật đen, có thể là một trong số phi công đã theo dòng nước trôi ra nhưng không may vuột khỏi tầm tay của toán đang bỏ công chờ đợi. Xem như cơ hội hiếm hoi bị mất. Cùng lúc nghe tiếng đối thoại giữa Tom Norris và Trung Tá Anderson trực máy tại tiền đồn lô cốt. Có lẽ hai người hiện đang đề cập những diễn biến bất thường vừa xảy ra.
Từ khi phát hiện vật đen đã ba mươi phút trôi qua, chúng tôi có lệnh rút lui. Liếc nhìn đồng hồ dạ quang điểm chỉ hơn hai giờ sáng. Trên đường rút ra toán vẫn giữ nguyên đội hình di chuyển theo lộ trình lúc khi đi vào. Ðặc biệt lần nầy mọi người hết sức cẩn thận đề phòng nhất là những chỗ nghi ngờ có địch. Ðiều làm mọi người nơm nớp lo sợ là bầu trời quanh vùng tối đen cộng với cây cối dầy đặc, lỡ mà lọt điểm phục kích của địch chắc chắn không một ai có thể sống sót.
Theo nguồn tin đồng bào tị nạn cho biết hiện bộ đội Bắc Việt tung rất nhiều toán, lục kiếm gắt gao tìm bắt các phi công Hoa Kỳ đang ẩn trốn. Phần tôi từ khi phát giác vật đen và nghe tiếng thở phì phào như người, trong đầu ám ảnh và tự hỏi không biết vật đó vật gì phải người hay không? Nên bụi cây nào sắp sửa ngang qua, tôi đều chú tâm quan sát rất kĩ tuy biết niềm hi vọng hết sức mong manh.
Kể từ khi nhận lệnh rút lui khỏi điểm kích đến giờ toán đã di chuyển được hơn một tiếng đồng hồ. Thoạt nhiên đằng trước mặt tôi phát giác một bụi cây đứng một mình riêng rẽ sát dưới mé nước chỉ cách chỗ tôi từ tám đến mười thước. Cả thân cây rung lên nhè nhẹ từng hồi tựa như đang bị gió thổi, khiến mặt nước quanh đó giao động, ngược với những bụi cây kế cận vẫn đứng yên không hề nhúc nhích đã khiến tôi giật mình hoảng sợ. Ðiều lạ lùng hơn nữa hiện thời tiết oi bức, chung quanh không một luồng gió. Với phản xạ tôi ra dấu cho Tất và cả hai vội vàng nằm xuống nấp sau mô đất. Cùng lúc Tất chuyển tín hiệu về sau để mọi người kế tiếp kịp thời dừng lại đề phòng bất trắc.
Trở lại bụi cây bất ngờ đã được phát giác lúc nãy hai đứa tôi nằm im lìm chờ đợi cố để mắt theo dõi động tĩnh. Mười phút trôi qua mang theo âu lo hồi hộp nhưng những bụi cây kế cận vẫn đứng yên bất động. Duy điểm bụi cây phát giác vẫn từng hồi lay động. Thấy vậy tôi kề tai nói khẽ với Tất: - Hãy chú ý theo dõi và yểm trợ nếu cần. Tao bò đến mục tiêu tìm cách xác định vị trí khả nghi, không thể để toán nằm chờ đây mãi vì bầu trời sắp sáng đến nơi.
Cùng lúc tôi xoay nòng súng AK.47 nhắm thẳng hướng mục tiêu, ngón trỏ sẵn sàng lảy cò nếu tình hình ở điểm khả nghi đột biến. Khi khoảng cách hai bên thâu ngắn bỗng thấy cả bụi cây trở nên rung mạnh. Ðồng thời nghe giọng nói yếu ớt từ dưới góc cây vọng ra hai tiếng “No, No” đã giúp tôi mau chóng nhận định không còn nghi ngờ gì nữa, chính đó là viên phi công Hoa Kỳ mà toán chúng tôi đã suốt đêm bất chấp hiểm nguy tìm kiếm. Ông ta đứng ôm chặt gốc cây cách tôi ước khoảng năm mét. Trên đỉnh đầu ông trông lờ mờ hình như đang phủ một miếng vải ngụy trang. Ngược lại người phi công Hoa Kỳ chắc chắn thấy hai đứa tôi và tưởng toán bộ đội cộng sản săn lùng tìm kiếm được ông, cộng thêm đói khát trong thời gian lẩn trốn khiến tinh thần ông sa sút hoảng sợ.
Còn hai tiền sát chúng tôi khi đã xác định chắc chắn mục tiêu, tôi nằm lại tại chỗ quan sát theo dõi vì sợ người phi công hốt hoảng buông gốc cây, lội theo dòng nước biến mất như trước đây hay do bản năng tự vệ dùng súng lục bắn chúng tôi thì hỏng mọi chuyện. Biết thế tôi ra hiệu bảo Tất tìm cách bò nhanh phía sau trình trưởng toán biết gấp sự việc. Mấy phút sau trưởng toán Thọ và Tom Norris, cả hai tiến lên. Tôi chỉ ngay bụi cây nơi viên phi công đang đứng. Khi xác định vị trí Tom Norris bò tới cách người phi công mấy thước nói vọng vào (có thể mật khẩu nhận nhau). Bất ngờ từ trong bụi cây thấy người phi công trườn ra cùng lúc rồi cả hai quỳ xuống ôm lấy nhau, tưởng như đôi bạn xa cách lâu ngày bỗng dưng gặp lại vui mừng khôn xiết.
Trong phút giây nghẹn ngào vui sướng chúng tôi nghe tiếng của người phi công thì thào trong miệng “Thank !Thank !”. Mọi người gần đó hết sức phấn khởi. Suốt mười ngày đêm ông ta đã bị bộ đội cộng sản truy bức đói khát tưởng chừng sớm muộn bị bắt. Không ngờ đêm nay được toán Biệt Hải cứu sống, lại có sự tham dự của Tom Norris là chiến hữu ông. Không niềm vui nào người phi công có thể đem ra so sánh đối với hai chữ Tự Do. Riêng toán Biệt Hải chúng tôi thì đây là phần thưởng tinh thần vô giá và xem như toán đã hoàn thành chuyến công tác đêm đầu càng gây hi vọng chuyến công tác kế tiếp. Trưởng toán vội bảo anh em cấp tốc rời khỏi chỗ này càng sớm càng tốt vì quanh đây còn trong phạm vi đóng quân các sư đoàn Bắc Việt. Tất cả không chần chờ lẹ làng thận trọng di chuyển và hết sức cẩn thận bảo vệ người phi công tới chỗ an toàn.
Ngày 11 Tháng Tư năm 1972 lúc 7 giờ sáng, toán Biệt Hải dìu được người phi công Hoa Kỳ về dưới triền đồi Lô Cốt. Vùng đất nầy tương đối an toàn thuộc quyền kiểm soát đơn vị trấn đóng. Chúng tôi nhìn thấy sức khỏe của người phi công hiện quá bết bát không thể ông tự di chuyển một mình trèo lên dốc đồi nên anh em kẻ trước người sau thay phiên cõng ông trên lưng, nhắm hướng về phía tiền đồn vừa đi vừa chạy vì sợ Cộng Sản trông thấy thì chúng gọi pháo kích.
Khi cả toán đặt chân trên phần đất Lô Cốt ai nấy đều thấm mệt vì suốt đêm qua thức trắng và căng thẳng. Ðơn vị trong đồn mở cổng chạy ra phụ dìu người phi công vào phía trong đồn. Vài nhân viên Biệt Hải nhanh trí lấy những gói cà phê trong các hộp “Ration C” đem khuấy nước nóng đưa mời người phi công Hoa Kỳ uống. Tiếp nhận ly cà phê trên tay mọi người bỗng thấy trên hai khóe mắt của ông đỏ hoe rồi hai dòng lệ lăn dài. Có nằm trong hoàn cảnh nầy mới hiểu thấu được tình chiến hữu đồng đội bất phân chủng tộc hết sức thắm thiết.
Mười giờ sáng cùng ngày một chiếc thiết vận M-113 không biết từ đâu xuất hiện chạy đến đậu sẵn phía sau Lô Cốt, làm phương tiện để chở người phi công Hoa Kỳ trở về hậu cứ. Khi chiếc M-113 và người phi công thật sự rời khỏi Lô Cốt mọi người mở ba lô lấy khẩu phần lương khô “Ration C” ăn uống qua loa. Ai nấy vội tìm chỗ nằm để giấc ngủ lấy sức tiếp tục chuyến công tác tối nay.
Phần tôi sau khi xong xuôi tìm một chỗ phía trong Lô Cốt nằm xuống định ngủ một giấc cho lại sức. Nhưng thời gian kéo dài mấy tiếng đồng hồ nhưng không tài nào chợp mắt được. Tất cả hình ảnh đêm qua vẫn chập chờn hiện về trong tâm trí khiến thân thể trở nên bải hoải mỏi mệt lạ thường. Khoảng 2 giờ 30 chiều bỗng có nhiều tiếng nổ chát chúa khắp quanh vòng đai Lô Cốt. Một vài trái rớt xuống trúng trên miệng hầm nổi hướng nam . Bắc quân đóng bên kia các ngọn đồi pháo tới làm Lô Cốt rung chuyển liên hồi như thể động đất sau mỗi đợt nổ.
Lúc ấy mọi người đang nằm phía trong vội vàng ngồi dậy xách súng đạn nhắm ngay cửa chính của tiền đồn phóng chạy ra ngoài, định nhảy xuống bất cứ căn hầm phòng thủ nào gần nhất để trợ lực cùng anh em bộ binh chiến đấu. Toán Biệt Hải chỉ tạm trú vài ngày nên không có lệnh đào hầm. Mọi người lo ngại Cộng Sản kéo tới ban ngày mở đợt tấn công nhưng chưa kịp thi hành thì thấy mấy người lính bộ binh dìu Trung Tá Andy Anderson và trưởng toán Thọ từ ngoài lật đật đưa vào phía trong Lô Cốt. Thấy vậy chúng tôi đứng lại tìm băng cá nhân buộc vào vết thương để cầm máu cho hai người. Tom Norris mở máy vô tuyến liên lạc về Bộ Chỉ Huy xin phương tiện di tản thương binh .
Theo một số anh em trong đồn cho biết khoảng hai giờ chiều họ trông thấy hai người đứng trên miệng hầm phòng thủ trên tay cầm ống nhòm quan sát địa thế. Có thể bọn quan sát của chúng đã trông thấy nên gọi pháo kích bắn.
Bốn giờ chiều hôm đó một chiếc thiết giáp M-113 khác tiếp tục chạy tới di chuyển thương binh trong số có trưởng toán Biệt Hải. Thể theo đề nghị của Ðại Úy Thọ muốn Châu cùng đi trên chiếc M-113 để giúp săn sóc. Như vậy tối nay toán mất thêm hai nhân viên công tác và Trung Tá Anderson trực máy liên lạc, tất cả ba người. Hiện còn lại bốn người gồm: ba nhân viên Biệt Hải và Tom Norris (UDT Seal). Không ngờ diễn biến xảy ra đột ngột chiều nay làm hoàn toàn thay đổi chương trình công tác như đã dự tính. Riêng tôi cảm thấy phân vân, lo lắng vì hình ảnh các đoàn xe Molotova và T54 - T72 của đối phương ngày đêm di chuyển trong vùng. Chưa kể những trận pháo kích đã phần nào ảnh hưởng về mặt tâm lý.
Tối nay toán còn lại bốn người. Chúng tôi tiếp tục nhận lệnh đi giải cứu Trung Tá Hambleton. Nghe nói ông nầy bị thương khá nặng đang trốn sâu trong vùng địch kiểm soát suốt mười một ngày qua. Sức khỏe ông rất bết bát nên không thể di chuyển. Tối nay toán phải tìm cách đi vào gần nơi của ông đang ẩn trốn và đêm nay Ðại Úy Tom Norris sẽ thay thế Ðại Úy Thọ làm trưởng toán. Nghe tin tôi và Tất làm tiền sát tối nay, cả hai phân vân vấn đề trở ngại ngôn ngữ chẳng may chạm địch trên đường di chuyển không biết liên lạc ra sao?
Ngày 11 Tháng Tư năm 1972, Tom Norris cho toán khởi hành có phần sớm hơn lần trước. Lúc gần 7 giờ tối bầu trời bên ngoài vừa nhá nhem mọi người được lệnh sẵn sàng rời khỏi tiền đồn. Ðội hình di chuyển đêm nay vẫn không thay đổi, số nhân viên chỉ có bốn người :Tiền sát đi đầu là tôi, Tất, đến Tom Norris và K. hậu vệ. Lộ trình di hành từ điểm lô cốt xuống bờ sông đêm nay có phần thay đổi. Vì tránh mìn bẫy nên tôi tìm cách đi lệch cách hướng đường mòn cũ tối qua từ 30 đến 40 mét. Tôi nghĩ biết đâu chúng đã để ý theo dõi sự di chuyển lên xuống tiền đồn của toán và tìm cách lén gài mìn bẫy.
Ðêm nầy cũng như chuyến trước, sau mấy giờ lần theo đường bờ sông di chuyển chúng tôi tới được điểm hẹn vào lúc 11 giờ đêm. Trước khi khởi hành chúng tôi nghe K. chuyển lời Tom Norris cho biết, tối nay phi công Hambleton sẽ theo dòng nước trôi ra tương tự như viên phi công Mark Clack đêm qua. Rút kinh nghiệm của chuyến vừa rồi lần nầy ai nấy đều hết sức cẩn trọng, chú ý nhiều hơn. Từ khi đặt chân tới điểm hẹn nằm lại chờ đợi cho đến giờ này, thời gian gần hai giờ trôi qua nhưng vẫn không thấy Hambleton trôi tới theo dòng nước như đã cho biết, mặc dầu hiện giờ dòng thủy triều đang chảy khá mạnh. Bỗng K. chuyển lời Tom Norris cho biết rằng Hambleton không thể rời xa vị trí ẩn núp vì vết thương ông ta quá nặng đồng thời ra hiệu mọi người rút lui. Cả toán vội theo hướng cũ trở ngược ra. Chúng tôi về đến ngoài vòng đai tiền đồn Lô Cốt gần bốn giờ sáng.
Từ lúc đó tôi và Tất không còn thấy Tom Norris và K. đi ngang cho biết họ sẽ ngược lại bờ sông Hiếu Giang tìm ghe để làm phương tiện, tôi và Tất vẫn ở tiền đồn đợi lệnh.
Ngày 14 Tháng Tư năm 1972 lúc 7 giờ 30 sáng, mọi người hiện diện trên Lô Cốt nghe tiếng gầm thét của rất nhiều máy bay phản lực từ hướng biển bay vào giội bom xối xả và thả khói mù xuống dọc hai bên bờ Hiếu Giang. Khoảng 10 giờ sáng thấy K. từ ngoài hối hả vào gọi chúng tôi xuống bờ sông phụ giúp cõng Trung Tá Hambleton lên. Lúc gặp thấy thân hình tương đối khá cao và gầy, một chân ông bị thương, phần da thịt chung quanh đã nhầy nhụa trở thành màu tím. Lý do thời gian khá lâu thiếu thuốc men chữa trị.
Như đã viết ở trên, từ mé bờ sông ngược lên hướng Lô Cốt đường khá dốc nên ba chúng tôi thay phiên cõng ông trên vai, cố tìm cách nâng hẳn hai chân khỏi mặt đất, tương tự như Mack Clack hôm trước. Khi đặt ông nằm xuống bên trong Lô Cốt, quần áo chúng tôi ướt đẫm, một phần do ánh nắng gay gắt buổi sáng đầu ngày.
Khoảng ba hoặc bốn giờ chiều hôm ấy toán Biệt Hải tất cả bốn người được lệnh rời khỏi tiền đồn bằng chiếc M-113 trở về lại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương ở Quảng Trị. Trước khi vào Bộ Tư Lệnh, chúng tôi ngồi chờ phương tiện trở về Ðà Nẵng được một số phóng viên báo chí phỏng vấn, chụp hình... Sau đó gặp một số chiến hữu khác, họ rất ngạc nhiên khi biết toán Biệt Hải thành công. Lý do trước đây mấy ngày chính họ không mấy tin tưởng anh em chúng tôi hoàn thành công tác khó khăn nguy hiểm này.
Từ lúc nhận lệnh thi hành công tác giải cứu các phi công Hoa Kỳ lâm nạn trên sông Hiếu Giang, Cam Lộ theo quốc lộ 9 của tỉnh Quảng Trị giữa Tháng Tư năm 1972, sau Mùa Hè Ðỏ Lửa đến nay thấm thoát thời gian trôi qua đã trên ba mươi năm. Cá nhân tôi cũng như anh em trong toán Biệt Hải tham dự đều không bao giờ nghĩ tới hoặc chú tâm tìm hiểu tên tuổi những phi công Hoa Kỳ mà anh em góp phần tham dự giải cứu. Tự nghĩ đây là nhiệm vụ người lính QLVNCH có bổn phận giúp đỡ người bạn đồng minh Hoa Kỳ đang góp phần để bảo vệ quê hương miền Nam tự do khỏi rơi vào ách thống trị Cộng Sản chẳng may gặp nạn. Hơn nữa nơi đây là tiền đồn “Thế Giới Tự Do” như một số nhân vật tên tuổi Việt và Mỹ từng một thời đề cập.
Mục đích viết bài này muốn nói lên những điều trông thấy, hầu làm sáng tỏ phần nào chuyến công tác bí mật “BAT-21”. Ngoài ra không mang hoài vọng nào khác ngoài hai chữ “âm thầm, phục vụ” được mọi chiến hữu Sở Phòng Vệ Duyên Hải hằng tâm niệm ôm ấp như những ngày còn trong cuộc chiến trước năm 1975.
“Lời cuối chúng tôi xin thay anh em tác giả chân thành cám ơn hai hạm trưởng Nguyễn Mạnh Trí, Trần Ðỗ Cẩm, nhà văn Lê Nhật Thăng, thế hệ II Bùi Thượng Khuê và quí thân hữu sửa chữa, cung cấp hình ảnh giúp cuốn Ðặc San Biệt Hải được hoàn thành trong dịp lễ giỗ kỳ V các anh linh, tử sĩ Biệt Hải, SPVDH/NKT”.
Phong Trần

No comments:

Post a Comment