Tuesday, July 28, 2009

Những chuyến công tác giải cứu tù binh bất thành từ năm 1969-1971




LTS.- Ngày 22 Tháng Bảy, 2007 tới đây, lực lượng Biệt Hải sẽ tổ chức lễ giỗ cho những anh hùng tử sĩ của đơn vị và phát hành Ðặc San Biệt Hải. Mục Diễn Ðàn của nhật báo Người Việt trích đăng bài này từ Ðặc San Biệt Hải để yểm trợ. Bài dài đăng nhiều kỳ.
Vào cuối năm 1968 Hoa Kỳ quyết định ngưng oanh tạc Bắc Việt nên các cuộc hành quân tại miền Bắc của lực lượng Hải Tuần và lực lượng Biệt Hải xem như chấm dứt. Hàng tuần, các chiến đỉnh Hải Tuần ra khơi thao dượt phòng không, tác xạ. Các chiếc PTF nằm bến được các thủy thủ đoàn Việt Nam và các chuyên viên hải quân Hoa Kỳ phụ trách việc bảo trì tu bổ cẩn thận để sẵn sàng khi hữu sự. Còn các toán Biệt Hải thì ngày ngày lo luyện tập bồi dưỡng chuẩn bị công tác trở lại khi tình hình thay đổi. Trong lúc chờ đợi, thỉnh thoảng các PTF và các toán Biệt Hải tham dự các chuyến hành quân đột kích vào các mật khu Cộng Sản dọc duyên hải Vùng 1 và Vùng 2.
Sau vụ biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, cường độ của cuộc chiến trên toàn lãnh thổ miền Nam đã gia tăng mãnh liệt. Trước tình thế nhu cầu chiến trường miền Nam và thể theo đề nghị từ cấp chỉ huy ở trung ương, Sở Phòng Vệ Duyên Hải quyết định gửi các toán Biệt Hải tăng phái vào Nam hoạt động trong các công tác xâm nhập vào các mật khu của Cộng Sản. Trước tin này anh em Biệt Hải rất phấn khởi, được vinh dự góp phần chiến đấu cùng đơn vị QLVNCH để bảo vệ phần đất tự do thân yêu còn lại trong đó có các sông rạch màu mỡ miền Nam, áp dụng chiến thuật đặc công đánh trả lại địch.
Ðịa thế tại Vùng 4 Chiến Thuật có nhiều sông rạch đầm lầy, khác với địa thế duyên hải miền Bắc mà các toán Biệt Hải đã từng hoạt động. Bởi vậy trước khi khởi sự vào miền Nam công tác, cấp trên đã chỉ thị nhân viên các toán gia tăng huấn luyện thêm thời gian một vài tuần lễ về cách vượt sông (bơi qua lại sông Hàn-Ðà Nẵng gần cầu Trịnh Minh Thế), các chiến thuật tập kích chớp nhoáng ban đêm v.v... hầu giúp mọi người thích nghi làm quen địa thế những nơi mà các toán Biệt Hải sắp được gửi đến công tác nay mai.
Sau thời gian khóa học bổ túc hoàn tất, một buổi sáng sớm tất cả toán chúng tôi được Bộ Chỉ Huy chở sang tận phi trường Ðà Nẵng để vào Nam công tác. Phương tiện chuyển vận sẽ do MACV cung cấp. Một chiếc máy bay thuộc loại C-130 từ Sài Gòn bay ra đáp xuống bốc chở riêng toán Biệt Hải Nimbus. Sau đó chiếc phi cơ lại lẹ làng cất cánh. Phi hành đoàn máy bay tất cả đều người Ðài Loan. Toàn thân máy bay sơn màu xanh lá cây. Hai bên hông không gắn bảng số hay huy hiệu. Sau mấy giờ bay chiếc C-130 đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất và ngừng đậu một chỗ riêng biệt. Một lần nữa, anh em toán lần lượt rời khỏi máy bay với tất cả hành lý súng đạn, chia nhau lên mấy chiếc GMC do Nha Kỹ Thuật phái tới đang chờ sẵn phía cửa sau của đuôi máy bay. Ðoàn xe GMC nầy cũng được sơn màu ngụy trang tương tự như chiếc C-130 vừa rồi, khác ở chỗ tất cả bảng xe đều sơn màu vàng mang hàng số ẩn tế chữ “T” đầu, chở toán Nimbus một mạch chạy xuống căn cứ Ðồng Tâm-Mỹ Tho.
Có thể nói đây là lần đầu tiên mà toán Biệt Hải chúng tôi gửi đến thi hành công tác tại Vùng 4 Chiến Thuật. Trên chặng đường những nhân viên sinh trưởng miền Nam tất cả vui mừng khi được gặp lại cảnh cũ làng xưa. Còn anh em quê miền Trung thì lấy làm bỡ ngỡ vì không ngờ đời sống miền Nam lại trù phú nhộn nhịp đến thế.
Khoảng xế chiều cùng ngày tất cả toán Biệt Hải Nimbus đến căn cứ hải quân Hoa Kỳ thuộc Ðồng Tâm-Mỹ Tho và được một số cấp chỉ huy của căn cứ đứng đợi. Sau đó vài sĩ quan hướng dẫn anh em chúng tôi tới một khu nhà biệt lập dành riêng toán Biệt Hải tạm trú trong thời gian công tác. Thời gian sau này mỗi lần các toán Biệt Hải biệt phái vào Nam đều được tạm trú trong các căn cứ của hải quân hoặc trên những chiến hạm Hoa Kỳ. Các nơi đó có bổn phận chu cấp ăn uống cũng như lo phương tiện chuyên chở. Trong khi lưu lại, các cố vấn Mỹ liên lạc với căn cứ để cung cấp các tiện nghi cũng như phương tiện cho nhân viên Biệt Hải giống như quân nhân của Mỹ phục vụ trong căn cứ.
Vừa đặt chân đến căn cứ đêm đầu tiên, chúng tôi được nếm mùi vị pháo kích của Việt Cộng vào căn cứ. Có thể nói đây là sự việc hết sức mới mẻ đối với chúng tôi. Trước đây các toán Biệt Hải hoạt động ngoài duyên hải miền Bắc, ngoại trừ máy bay hạm đội bay vào giội bom, nên không biết pháo kích là gì. Sau ba ngày anh em nghỉ ngơi lấy sức, tối nay toán Nimbus chúng tôi bắt đầu nhận lệnh khởi hành công tác. Trước giờ đi anh em toán được các sĩ quan hành quân phối hợp với các cố vấn của toán thuyết trình về mục tiêu, đồng thời cho biết chi tiết về tình hình bạn địch chung quanh căn cứ Ðồng Tâm và nhiệm vụ của chúng tôi. Trong đêm nay toán Nimbus làm thế nào bắt sống tù binh để đưa về khai thác tin tức và chỉ nổ súng trong trường hợp cần thiết. Ðiều làm mọi người trong toán lo ngại vấn đề mìn bẫy. Nghe nói vùng này có nhiều mương rạch và nhiều dừa nước mọc lên chằng chịt thường được du kích Việt Cộng hay gài mìn bẫy. Còn vấn đề gặp địch là chuyện may rủi. Một điều chắc chắn phía du kích Việt Cộng hiện cũng không ngờ toán Biệt Hải chúng tôi đang có mặt trong vùng.
Khoảng tám giờ tối, toán Biệt Hải được hai giang tốc đỉnh PBR (Patrol River Boat) của hải quân Hoa Kỳ chở đi, mỗi chiếc đều trang bị vũ khí khá hùng hậu. Ngoài khẩu đại liên 50 bắn bằng điện, hai bên hông còn có hai khẩu M-79 liên thanh, những đầu đạn M-79 màu vàng nổi lên óng ánh như trái bắp ngô. Cả hai chiếc tàu chạy hơn một tiếng đồng hồ lướt qua nhiều khúc sông, mương, rạch cuối cùng đến được địa điểm đổ toán. Vừa đến nơi thuyền trưởng tăng hết tốc độ điểu khiển cho mũi tàu trượt ủi lên trên mép bờ, làm sóng nước dạt ra hai bên khiến nhiều bụi cây lần lượt bị lườn tàu đè bẹp, phát ra tiếng kêu sột soạt. Cùng lúc từ phòng lái tối om lệnh người thuyền trưởng Hoa Kỳ vang lên ngắn gọn đủ nghe: “Go, Go.” Chúng tôi chẳng ai chờ ai, cùng đồng loạt phóng xuống hai bên mé nước trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị di chuyển. Hai chiếc tàu đổ toán xong xuôi lặng lẽ rút lui một cách êm thấm. Tiếng máy tàu mỗi lúc xa dần. Trong chốc lát tất cả cảnh vật chung quanh đều trở lại yên tĩnh còn toán Biệt Hải khởi động di chuyển.
Trên đường đi mọi người lội qua nhiều khúc sông, mương rạch sình lầy hết sức vất vả. Cuối cùng xóm nhà lá điểm chính mục tiêu tối nay hiện ra trước mắt như tại phòng thuyết trình cho biết. Ðiều làm chúng tôi ngạc nhiên giờ nầy dù đã quá khuya nhưng mọi nhà vẫn còn thắp đèn và hầu như cả xóm. Trong ánh sáng lờ mờ của những ngọn đèn dầu leo lắt tỏa yếu ớt, thỉnh thoảng nghe tiếng chuyện trò cười cợt đứt quãng sau những căn nhà khuất lấp vọng ra. Ngoài bìa làng toán chúng tôi vẫn âm thầm tiến bước, tìm điểm thuận lợi nằm đợi phục kích và vị trí được trưởng toán chọn lựa nằm lại, bên cạnh một con đường mòn dẫn vào ngay xóm.
Ðã hơn ba giờ sáng, cảnh vật chung quanh trở nên vắng lặng. Bỗng đằng xa chúng tôi phát hiện tiếng người cười nói mỗi lúc càng gần, giọng nghe nhừa nhựa như những người say rượu. Hình như cả bọn đang đi về hướng toán nằm chờ đợi. Ðúng theo dự đoán bọn họ tất cả ba người và người nào cũng say xỉn lỉn, bước đi không vững. Hai bên khoảng cách không quá ba thước trong tầm kiểm soát của toán. Chúng tôi trông thấy mỗi người trên vai khoác toòng teng một khẩu AK-47, mũi súng lắc qua lắc lại theo nhịp đi hai hàng không đều. Trong bóng đêm, tiếng của trưởng toán hô lên: “Ðứng lại!” đồng thời chúng tôi tất cả nhảy ra bắt sống. Trong số ba tên có một tên hoàn hồn tỉnh lại nghe hắn hét lớn: “Có quỉ, quỉ tụi bây ơi!” rồi vùng thoát chạy. Trước giờ khởi hành toán đã nhận lệnh cấp trên đêm nay ưu tiên bắt sống tù binh đem về khai thác, ngoại trừ bắt buộc tự vệ thì mới khai hỏa để bảo mật cho những công tác sắp tới. Nếu không thì tên du kích tháo chạy hồi nãy có lẽ đã được anh em giúp đưa đầu thai. Còn lại hai tên vì quá say đã bị chúng tôi bắt sống, tịch thâu trên người được một khẩu AK-47 và một súng ngắn K-54. Có lẽ nghĩ đây thuộc vùng cấm địa của chúng, nhất là ban đêm nên cả bọn tha hồ ăn no uống say lơ là cảnh giới.
Thu gọn xong chiến trường mấy phút sau toán lẹ làng rời khỏi điểm kích, âm thầm dẫn theo hai tù binh Việt Cộng đi trở lại bờ rạch lúc trước. Trưởng toán dừng lại mở máy liên lạc gọi tàu chạy vào đón toán. Ngoài anh em chúng tôi còn thêm hai tù binh Việt Cộng vừa mới bắt được tất cả đều leo lên tàu. Thuyền trưởng cùng thủy thủ hải quân Hoa Kỳ trông thấy chúng tôi bắt được “Vixi” đều tỏ thán phục với cử chỉ thân thiện đi ngang giơ ngón tay cái lên trời hàm ý - number one - số dách .
Ðêm về khuya dòng sông Mỹ Tho lững lờ trôi đã vô tình xô đẩy từng đám lục bình dạt khắp muôn hướng. Trong khi hai chiếc tàu vẫn âm thầm nối đuôi xả hết tốc độ chạy trở về căn cứ, khiến nhiều luồng gió trong đêm ào ạt thổi tới đã làm mọi người cảm thấy bây giờ thấm lạnh, vì quần áo tất cả đều ướt trong lúc băng qua mương rạch. Nhìn hai tù binh qua cơn hoảng loạn lần lần tỉnh rượu toàn thân run rẩy. Thấy cảnh thương tâm tôi tìm cách rề tới bên cạnh lấy ra bao thuốc châm lửa, rồi gắn vào trên môi mỗi người một điếu và tìm cách khơi chuyện dò hỏi: “Ðêm nay các đồng chí đi công tác ở đâu mà về khuya khoắt lại say sưa đến thế? Có phải tất cả vừa đi tham dự liên hoan phải không?” Một trong hai tên nhanh miệng trả lời: “Tối nay anh em tôi đi ăn giỗ một đồng chí vừa mới hy sinh.” Rồi chợt nghĩ chuyện đêm qua cả xóm thắp đèn, tôi lại vội hỏi trong xóm các anh tối nay đã xảy ra chuyện gì, mà mọi nhà thắp đèn suốt đêm như vậy? Người tù binh đỡ lời nói tiếp: “Ðó là ám hiệu hằng đêm do cấp trên chúng tôi bắt buộc cả xóm thi hành, đèn thắp sáng suốt đêm chứng tỏ không có địch quân xuất hiện. Còn thấy nhà nào đèn tắt đó là ám hiệu báo động có địch xuất hiện.”
Ðang mải mê trao đổi với người tù binh hai chiếc tàu chạy về cập bến lúc nào không hay. Vừa bước lên khỏi cầu tàu chúng tôi liền giải giao hai người tù binh trao hết cho căn cứ xử trí. Sau đó vài tuần một toán Biệt Hải khác thay thế đã thành công một chuyến công tác hết sức ngoạn mục. Ðột kích chớp nhoáng vào Bộ Chỉ Huy Liên Tỉnh miền Tây của Việt Cộng bắt được tên chỉ huy cao cấp, chuyên phụ trách ngành tình báo trung ương vùng IV do Mặt Trận Giải Phóng miền Nam gửi xuống Mỹ Tho hoạt động (Bài viết “Bóng đêm với sứ mạng”). Chứng tỏ các công tác Biệt Hải trong thời điểm đó ít nhiều đã giúp căn cứ Ðồng Tâm-Mỹ Tho, giảm bớt phần nào các đợt pháo kích hoặc những phá hoại của các toán du kích Việt Cộng nằm vùng.
Ðặc biệt trong khoảng thời gian giữa Tháng Tám năm 1969, các toán lại thay phiên biệt phái vào hoạt động công tác tại đầm Thị Nại còn gọi là đầm sình lầy bên bán đảo Qui Nhơn, bắn chìm được vài ghe thuyền chở đồ tiếp tế vào trong khu đầm sình lầy Việt Cộng. Những chuyến tiếp theo, các toán nằm đợi phục kích đã triệt hạ được một số giao liên ban đêm từ bên bán đảo tìm cách vượt sông để qua thành phố Qui Nhơn liên lạc. Khu sình lầy do du kích Việt Cộng bám giữ khoảng cách căn cứ hải quân Hoa Kỳ không xa nên thường hay gây bất ổn cho căn cứ. Nhận thấy lối đánh du kích Biệt Hải có phần thành công nên sau này cấp chỉ huy Việt-Mỹ lại thay phiên đưa các toán Biệt Hải vào Nam hoạt động những nơi như Cửa Việt, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Năm Căn, Cái Nước, Vĩnh Gia (Kinh Vĩnh Tế), Thất Sơn (Châu Ðốc), Chi Lăng, Hà Tiên và đổ bộ Hoàng Sa năm 1974...

No comments:

Post a Comment