Tuesday, July 28, 2009

Hồi tưởng Chuyến giải cứu phi công Hoa Kỳ lần thứ III (Bài cuối)


Phong Trần
Thursday, July 26, 2007
Hồi tưởng Chuyến giải cứu phi công Hoa Kỳ lần thứ III, tại Quốc Lộ 9, Quảng Trị, Tháng Tư, 1972 (Mùa Hè Ðỏ Lửa)
(Ðể tưởng nhớ về các chiến hữu đang sống lây lất cùng cực trên quê hương thân yêu)
LTG.- Thời gian đã trôi qua trên ba mươi năm nên trí nhớ phần nào mai một theo tuổi tác. Bài hồi ký được viết bằng trí nhớ và với chứng kiến của một số bạn bè trong một cuộc góp ý. Ngoài cố vấn Tom Norris UDT Seal ra, các nhân viên toán Biệt Hải tham dự trong chuyến “BAT- 21” hiện tất cả còn sống: Một ở Việt Nam, một ở Úc Châu và ba tại Hoa Kỳ, kể cả tác giả. Tuy nhiên, vấn đề thời gian trong các đoạn viết không được chính xác lắm, mong các bạn tham gia trong chuyến sẵn lòng tha thứ và giúp bổ khuyết. Chúng tôi hi vọng các chiến hữu đại đội thuộc Sư Ðoàn 3 Bộ Binh ở tiền đồn, những người đã góp phần và chứng kiến công tác Biệt Hải giải cứu phi công Hoa Kỳ tại sông Hiếu Giang thuộc cực Bắc Cam Lộ, Quảng Trị Tháng Tư năm 1972 sẽ đọc được bài này. Và không quên cám ơn huynh trưởng Trần Ðỗ Cẩm giúp cung cấp một số tài liệu để nội dung phong phú, chính xác hơn.
Phong Trần
(Tiếp theo)
Ðêm nay cả vùng Cam Lộ tối đen như đêm 30 Tết. Không gian hết sức tĩnh lặng. Những đọt cây lớn nhỏ đều đứng yên bất động. Bầu trời không một gợn mây. Vài ngôi sao lưa thưa xuất hiện chiếu ánh sáng li ti như đom đóm lạc loài trong đêm, chứng tỏ thời tiết miền Trung sắp sửa bước sang Mùa Hè oi bức càng làm cảnh vật trong vùng cô tịch một cách đáng ngại chỉ trừ hơi thở đều đặn người phụ tiền sát đang nằm kế cận, hòa lẫn tiếng nước róc rách do dòng thủy triều ồ ạt chảy ra hướng Cửa Việt.
Bất chợt phía trên chính giữa dòng sông tôi phát giác một vật đen lờ mờ xuất hiện, bập bềnh theo dòng nước trôi xuống rất nhanh mỗi lúc càng gần. Ít phút sau đã nhìn được hình thể chiều dài của vật đen khá rõ rệt vụt ngang qua chỗ hai đứa. Sở dĩ trông thấy trước vì hai tiền sát đi đầu hiện nằm vị trí phía trong cùng. và nghe tiếng thở phì phào rất rõ như tiếng trâu bò lội dưới nước ban đêm phát xuất từ vật đen. Quá khả nghi, tôi khều Tất ra hiệu hãy bò thật nhanh thông báo cho trưởng toán Thọ biết để ông kịp thời quyết định. Ít phút sau ở đầu kia đã nghe tiếng sột soạt của Tom Norris đang xỏ chân nhái phóng xuống dòng sông lội theo. Khoảng hai mươi phút sau chúng tôi thấy ông lội trở lại vị trí của toán. Có lẽ dòng nước đang đà chảy mạnh xô đẩy vật đen trôi xa làm Tom Norris không tài nào theo kịp.
Tất cả sự việc xảy quá đột ngột khoảng khắc ngắn ngủi nên anh em trong toán chẳng ai kịp hành động. Hơn nữa đây lần đầu tiên toán Biệt Hải được tham dự công tác vớt người kiểu nầy. Dù vậy cả toán vẫn nằm án binh bất động đợi lệnh.
Tuy không nói ra nhưng thâm tâm mọi người nhất là phần tôi vẫn đinh ninh lúc nãy vật đen, có thể là một trong số phi công đã theo dòng nước trôi ra nhưng không may vuột khỏi tầm tay của toán đang bỏ công chờ đợi. Xem như cơ hội hiếm hoi bị mất. Cùng lúc nghe tiếng đối thoại giữa Tom Norris và Trung Tá Anderson trực máy tại tiền đồn lô cốt. Có lẽ hai người hiện đang đề cập những diễn biến bất thường vừa xảy ra.
Từ khi phát hiện vật đen đã ba mươi phút trôi qua, chúng tôi có lệnh rút lui. Liếc nhìn đồng hồ dạ quang điểm chỉ hơn hai giờ sáng. Trên đường rút ra toán vẫn giữ nguyên đội hình di chuyển theo lộ trình lúc khi đi vào. Ðặc biệt lần nầy mọi người hết sức cẩn thận đề phòng nhất là những chỗ nghi ngờ có địch. Ðiều làm mọi người nơm nớp lo sợ là bầu trời quanh vùng tối đen cộng với cây cối dầy đặc, lỡ mà lọt điểm phục kích của địch chắc chắn không một ai có thể sống sót.
Theo nguồn tin đồng bào tị nạn cho biết hiện bộ đội Bắc Việt tung rất nhiều toán, lục kiếm gắt gao tìm bắt các phi công Hoa Kỳ đang ẩn trốn. Phần tôi từ khi phát giác vật đen và nghe tiếng thở phì phào như người, trong đầu ám ảnh và tự hỏi không biết vật đó vật gì phải người hay không? Nên bụi cây nào sắp sửa ngang qua, tôi đều chú tâm quan sát rất kĩ tuy biết niềm hi vọng hết sức mong manh.
Kể từ khi nhận lệnh rút lui khỏi điểm kích đến giờ toán đã di chuyển được hơn một tiếng đồng hồ. Thoạt nhiên đằng trước mặt tôi phát giác một bụi cây đứng một mình riêng rẽ sát dưới mé nước chỉ cách chỗ tôi từ tám đến mười thước. Cả thân cây rung lên nhè nhẹ từng hồi tựa như đang bị gió thổi, khiến mặt nước quanh đó giao động, ngược với những bụi cây kế cận vẫn đứng yên không hề nhúc nhích đã khiến tôi giật mình hoảng sợ. Ðiều lạ lùng hơn nữa hiện thời tiết oi bức, chung quanh không một luồng gió. Với phản xạ tôi ra dấu cho Tất và cả hai vội vàng nằm xuống nấp sau mô đất. Cùng lúc Tất chuyển tín hiệu về sau để mọi người kế tiếp kịp thời dừng lại đề phòng bất trắc.
Trở lại bụi cây bất ngờ đã được phát giác lúc nãy hai đứa tôi nằm im lìm chờ đợi cố để mắt theo dõi động tĩnh. Mười phút trôi qua mang theo âu lo hồi hộp nhưng những bụi cây kế cận vẫn đứng yên bất động. Duy điểm bụi cây phát giác vẫn từng hồi lay động. Thấy vậy tôi kề tai nói khẽ với Tất: - Hãy chú ý theo dõi và yểm trợ nếu cần. Tao bò đến mục tiêu tìm cách xác định vị trí khả nghi, không thể để toán nằm chờ đây mãi vì bầu trời sắp sáng đến nơi.
Cùng lúc tôi xoay nòng súng AK.47 nhắm thẳng hướng mục tiêu, ngón trỏ sẵn sàng lảy cò nếu tình hình ở điểm khả nghi đột biến. Khi khoảng cách hai bên thâu ngắn bỗng thấy cả bụi cây trở nên rung mạnh. Ðồng thời nghe giọng nói yếu ớt từ dưới góc cây vọng ra hai tiếng “No, No” đã giúp tôi mau chóng nhận định không còn nghi ngờ gì nữa, chính đó là viên phi công Hoa Kỳ mà toán chúng tôi đã suốt đêm bất chấp hiểm nguy tìm kiếm. Ông ta đứng ôm chặt gốc cây cách tôi ước khoảng năm mét. Trên đỉnh đầu ông trông lờ mờ hình như đang phủ một miếng vải ngụy trang. Ngược lại người phi công Hoa Kỳ chắc chắn thấy hai đứa tôi và tưởng toán bộ đội cộng sản săn lùng tìm kiếm được ông, cộng thêm đói khát trong thời gian lẩn trốn khiến tinh thần ông sa sút hoảng sợ.
Còn hai tiền sát chúng tôi khi đã xác định chắc chắn mục tiêu, tôi nằm lại tại chỗ quan sát theo dõi vì sợ người phi công hốt hoảng buông gốc cây, lội theo dòng nước biến mất như trước đây hay do bản năng tự vệ dùng súng lục bắn chúng tôi thì hỏng mọi chuyện. Biết thế tôi ra hiệu bảo Tất tìm cách bò nhanh phía sau trình trưởng toán biết gấp sự việc. Mấy phút sau trưởng toán Thọ và Tom Norris, cả hai tiến lên. Tôi chỉ ngay bụi cây nơi viên phi công đang đứng. Khi xác định vị trí Tom Norris bò tới cách người phi công mấy thước nói vọng vào (có thể mật khẩu nhận nhau). Bất ngờ từ trong bụi cây thấy người phi công trườn ra cùng lúc rồi cả hai quỳ xuống ôm lấy nhau, tưởng như đôi bạn xa cách lâu ngày bỗng dưng gặp lại vui mừng khôn xiết.
Trong phút giây nghẹn ngào vui sướng chúng tôi nghe tiếng của người phi công thì thào trong miệng “Thank !Thank !”. Mọi người gần đó hết sức phấn khởi. Suốt mười ngày đêm ông ta đã bị bộ đội cộng sản truy bức đói khát tưởng chừng sớm muộn bị bắt. Không ngờ đêm nay được toán Biệt Hải cứu sống, lại có sự tham dự của Tom Norris là chiến hữu ông. Không niềm vui nào người phi công có thể đem ra so sánh đối với hai chữ Tự Do. Riêng toán Biệt Hải chúng tôi thì đây là phần thưởng tinh thần vô giá và xem như toán đã hoàn thành chuyến công tác đêm đầu càng gây hi vọng chuyến công tác kế tiếp. Trưởng toán vội bảo anh em cấp tốc rời khỏi chỗ này càng sớm càng tốt vì quanh đây còn trong phạm vi đóng quân các sư đoàn Bắc Việt. Tất cả không chần chờ lẹ làng thận trọng di chuyển và hết sức cẩn thận bảo vệ người phi công tới chỗ an toàn.
Ngày 11 Tháng Tư năm 1972 lúc 7 giờ sáng, toán Biệt Hải dìu được người phi công Hoa Kỳ về dưới triền đồi Lô Cốt. Vùng đất nầy tương đối an toàn thuộc quyền kiểm soát đơn vị trấn đóng. Chúng tôi nhìn thấy sức khỏe của người phi công hiện quá bết bát không thể ông tự di chuyển một mình trèo lên dốc đồi nên anh em kẻ trước người sau thay phiên cõng ông trên lưng, nhắm hướng về phía tiền đồn vừa đi vừa chạy vì sợ Cộng Sản trông thấy thì chúng gọi pháo kích.
Khi cả toán đặt chân trên phần đất Lô Cốt ai nấy đều thấm mệt vì suốt đêm qua thức trắng và căng thẳng. Ðơn vị trong đồn mở cổng chạy ra phụ dìu người phi công vào phía trong đồn. Vài nhân viên Biệt Hải nhanh trí lấy những gói cà phê trong các hộp “Ration C” đem khuấy nước nóng đưa mời người phi công Hoa Kỳ uống. Tiếp nhận ly cà phê trên tay mọi người bỗng thấy trên hai khóe mắt của ông đỏ hoe rồi hai dòng lệ lăn dài. Có nằm trong hoàn cảnh nầy mới hiểu thấu được tình chiến hữu đồng đội bất phân chủng tộc hết sức thắm thiết.
Mười giờ sáng cùng ngày một chiếc thiết vận M-113 không biết từ đâu xuất hiện chạy đến đậu sẵn phía sau Lô Cốt, làm phương tiện để chở người phi công Hoa Kỳ trở về hậu cứ. Khi chiếc M-113 và người phi công thật sự rời khỏi Lô Cốt mọi người mở ba lô lấy khẩu phần lương khô “Ration C” ăn uống qua loa. Ai nấy vội tìm chỗ nằm để giấc ngủ lấy sức tiếp tục chuyến công tác tối nay.
Phần tôi sau khi xong xuôi tìm một chỗ phía trong Lô Cốt nằm xuống định ngủ một giấc cho lại sức. Nhưng thời gian kéo dài mấy tiếng đồng hồ nhưng không tài nào chợp mắt được. Tất cả hình ảnh đêm qua vẫn chập chờn hiện về trong tâm trí khiến thân thể trở nên bải hoải mỏi mệt lạ thường. Khoảng 2 giờ 30 chiều bỗng có nhiều tiếng nổ chát chúa khắp quanh vòng đai Lô Cốt. Một vài trái rớt xuống trúng trên miệng hầm nổi hướng nam . Bắc quân đóng bên kia các ngọn đồi pháo tới làm Lô Cốt rung chuyển liên hồi như thể động đất sau mỗi đợt nổ.
Lúc ấy mọi người đang nằm phía trong vội vàng ngồi dậy xách súng đạn nhắm ngay cửa chính của tiền đồn phóng chạy ra ngoài, định nhảy xuống bất cứ căn hầm phòng thủ nào gần nhất để trợ lực cùng anh em bộ binh chiến đấu. Toán Biệt Hải chỉ tạm trú vài ngày nên không có lệnh đào hầm. Mọi người lo ngại Cộng Sản kéo tới ban ngày mở đợt tấn công nhưng chưa kịp thi hành thì thấy mấy người lính bộ binh dìu Trung Tá Andy Anderson và trưởng toán Thọ từ ngoài lật đật đưa vào phía trong Lô Cốt. Thấy vậy chúng tôi đứng lại tìm băng cá nhân buộc vào vết thương để cầm máu cho hai người. Tom Norris mở máy vô tuyến liên lạc về Bộ Chỉ Huy xin phương tiện di tản thương binh .
Theo một số anh em trong đồn cho biết khoảng hai giờ chiều họ trông thấy hai người đứng trên miệng hầm phòng thủ trên tay cầm ống nhòm quan sát địa thế. Có thể bọn quan sát của chúng đã trông thấy nên gọi pháo kích bắn.
Bốn giờ chiều hôm đó một chiếc thiết giáp M-113 khác tiếp tục chạy tới di chuyển thương binh trong số có trưởng toán Biệt Hải. Thể theo đề nghị của Ðại Úy Thọ muốn Châu cùng đi trên chiếc M-113 để giúp săn sóc. Như vậy tối nay toán mất thêm hai nhân viên công tác và Trung Tá Anderson trực máy liên lạc, tất cả ba người. Hiện còn lại bốn người gồm: ba nhân viên Biệt Hải và Tom Norris (UDT Seal). Không ngờ diễn biến xảy ra đột ngột chiều nay làm hoàn toàn thay đổi chương trình công tác như đã dự tính. Riêng tôi cảm thấy phân vân, lo lắng vì hình ảnh các đoàn xe Molotova và T54 - T72 của đối phương ngày đêm di chuyển trong vùng. Chưa kể những trận pháo kích đã phần nào ảnh hưởng về mặt tâm lý.
Tối nay toán còn lại bốn người. Chúng tôi tiếp tục nhận lệnh đi giải cứu Trung Tá Hambleton. Nghe nói ông nầy bị thương khá nặng đang trốn sâu trong vùng địch kiểm soát suốt mười một ngày qua. Sức khỏe ông rất bết bát nên không thể di chuyển. Tối nay toán phải tìm cách đi vào gần nơi của ông đang ẩn trốn và đêm nay Ðại Úy Tom Norris sẽ thay thế Ðại Úy Thọ làm trưởng toán. Nghe tin tôi và Tất làm tiền sát tối nay, cả hai phân vân vấn đề trở ngại ngôn ngữ chẳng may chạm địch trên đường di chuyển không biết liên lạc ra sao?
Ngày 11 Tháng Tư năm 1972, Tom Norris cho toán khởi hành có phần sớm hơn lần trước. Lúc gần 7 giờ tối bầu trời bên ngoài vừa nhá nhem mọi người được lệnh sẵn sàng rời khỏi tiền đồn. Ðội hình di chuyển đêm nay vẫn không thay đổi, số nhân viên chỉ có bốn người :Tiền sát đi đầu là tôi, Tất, đến Tom Norris và K. hậu vệ. Lộ trình di hành từ điểm lô cốt xuống bờ sông đêm nay có phần thay đổi. Vì tránh mìn bẫy nên tôi tìm cách đi lệch cách hướng đường mòn cũ tối qua từ 30 đến 40 mét. Tôi nghĩ biết đâu chúng đã để ý theo dõi sự di chuyển lên xuống tiền đồn của toán và tìm cách lén gài mìn bẫy.
Ðêm nầy cũng như chuyến trước, sau mấy giờ lần theo đường bờ sông di chuyển chúng tôi tới được điểm hẹn vào lúc 11 giờ đêm. Trước khi khởi hành chúng tôi nghe K. chuyển lời Tom Norris cho biết, tối nay phi công Hambleton sẽ theo dòng nước trôi ra tương tự như viên phi công Mark Clack đêm qua. Rút kinh nghiệm của chuyến vừa rồi lần nầy ai nấy đều hết sức cẩn trọng, chú ý nhiều hơn. Từ khi đặt chân tới điểm hẹn nằm lại chờ đợi cho đến giờ này, thời gian gần hai giờ trôi qua nhưng vẫn không thấy Hambleton trôi tới theo dòng nước như đã cho biết, mặc dầu hiện giờ dòng thủy triều đang chảy khá mạnh. Bỗng K. chuyển lời Tom Norris cho biết rằng Hambleton không thể rời xa vị trí ẩn núp vì vết thương ông ta quá nặng đồng thời ra hiệu mọi người rút lui. Cả toán vội theo hướng cũ trở ngược ra. Chúng tôi về đến ngoài vòng đai tiền đồn Lô Cốt gần bốn giờ sáng.
Từ lúc đó tôi và Tất không còn thấy Tom Norris và K. đi ngang cho biết họ sẽ ngược lại bờ sông Hiếu Giang tìm ghe để làm phương tiện, tôi và Tất vẫn ở tiền đồn đợi lệnh.
Ngày 14 Tháng Tư năm 1972 lúc 7 giờ 30 sáng, mọi người hiện diện trên Lô Cốt nghe tiếng gầm thét của rất nhiều máy bay phản lực từ hướng biển bay vào giội bom xối xả và thả khói mù xuống dọc hai bên bờ Hiếu Giang. Khoảng 10 giờ sáng thấy K. từ ngoài hối hả vào gọi chúng tôi xuống bờ sông phụ giúp cõng Trung Tá Hambleton lên. Lúc gặp thấy thân hình tương đối khá cao và gầy, một chân ông bị thương, phần da thịt chung quanh đã nhầy nhụa trở thành màu tím. Lý do thời gian khá lâu thiếu thuốc men chữa trị.
Như đã viết ở trên, từ mé bờ sông ngược lên hướng Lô Cốt đường khá dốc nên ba chúng tôi thay phiên cõng ông trên vai, cố tìm cách nâng hẳn hai chân khỏi mặt đất, tương tự như Mack Clack hôm trước. Khi đặt ông nằm xuống bên trong Lô Cốt, quần áo chúng tôi ướt đẫm, một phần do ánh nắng gay gắt buổi sáng đầu ngày.
Khoảng ba hoặc bốn giờ chiều hôm ấy toán Biệt Hải tất cả bốn người được lệnh rời khỏi tiền đồn bằng chiếc M-113 trở về lại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương ở Quảng Trị. Trước khi vào Bộ Tư Lệnh, chúng tôi ngồi chờ phương tiện trở về Ðà Nẵng được một số phóng viên báo chí phỏng vấn, chụp hình... Sau đó gặp một số chiến hữu khác, họ rất ngạc nhiên khi biết toán Biệt Hải thành công. Lý do trước đây mấy ngày chính họ không mấy tin tưởng anh em chúng tôi hoàn thành công tác khó khăn nguy hiểm này.
Từ lúc nhận lệnh thi hành công tác giải cứu các phi công Hoa Kỳ lâm nạn trên sông Hiếu Giang, Cam Lộ theo quốc lộ 9 của tỉnh Quảng Trị giữa Tháng Tư năm 1972, sau Mùa Hè Ðỏ Lửa đến nay thấm thoát thời gian trôi qua đã trên ba mươi năm. Cá nhân tôi cũng như anh em trong toán Biệt Hải tham dự đều không bao giờ nghĩ tới hoặc chú tâm tìm hiểu tên tuổi những phi công Hoa Kỳ mà anh em góp phần tham dự giải cứu. Tự nghĩ đây là nhiệm vụ người lính QLVNCH có bổn phận giúp đỡ người bạn đồng minh Hoa Kỳ đang góp phần để bảo vệ quê hương miền Nam tự do khỏi rơi vào ách thống trị Cộng Sản chẳng may gặp nạn. Hơn nữa nơi đây là tiền đồn “Thế Giới Tự Do” như một số nhân vật tên tuổi Việt và Mỹ từng một thời đề cập.
Mục đích viết bài này muốn nói lên những điều trông thấy, hầu làm sáng tỏ phần nào chuyến công tác bí mật “BAT-21”. Ngoài ra không mang hoài vọng nào khác ngoài hai chữ “âm thầm, phục vụ” được mọi chiến hữu Sở Phòng Vệ Duyên Hải hằng tâm niệm ôm ấp như những ngày còn trong cuộc chiến trước năm 1975.
“Lời cuối chúng tôi xin thay anh em tác giả chân thành cám ơn hai hạm trưởng Nguyễn Mạnh Trí, Trần Ðỗ Cẩm, nhà văn Lê Nhật Thăng, thế hệ II Bùi Thượng Khuê và quí thân hữu sửa chữa, cung cấp hình ảnh giúp cuốn Ðặc San Biệt Hải được hoàn thành trong dịp lễ giỗ kỳ V các anh linh, tử sĩ Biệt Hải, SPVDH/NKT”.
Phong Trần

Những trích đoạn của "Can Trường Trong Chiến Bại"


LTS. - “Can Trường Trong Chiến Bại,” do Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại chấp bút, ghi lại cuộc đời binh nghiệp của mình. Sách được xuất bản lần đầu vào tháng Ba, 2007, và được tái bản (có bổ sung) tháng Năm, 2007. Dưới đây là một vài trích đoạn trong “Can Trường Trong Chiến Bại,” do chính tác giả cung cấp. Độc giả có thể đặt mua sách tại website http://www.hovanky.com/autobiography.
TRÍCH LỜI MỞ ĐẦU
... Một tấm bảng gỗ có viết một câu để vinh danh người lính cứu hỏa. Tôi rất cảm xúc khi đọc và nghĩ ngay tới người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa nói chung và các thủy thủ và Biệt Hải nói riêng: “Let me win, if I cannot win, let me be brave in the attempt!” Xin tạm dịch: “Xin cho tôi chiến thắng, nếu tôi không thể thắng, xin cho tôi can trường trong nổ lực của tôi.”
Đọc xong câu trên tôi nghĩ lại tại sao chúng ta tiếp tục tự dày vò chúng ta với sự chiến bại mà không hãnh diện về sự can trường của biết bao anh hùng thuộc các quân binh chủng?
VỀ VIỆC ĐẠI TÁ HỒ TẤN QUYỀN BỊ ÁM HẠI:
Ông Lực thuật cho tôi nghe những gì xảy ra từ khi ông gặp tôi lần chót ở sân quần vợt Hải Quân, đặc biệt là việc ông dụ Đại tá Quyền đi theo ông lên xa lộ Biên Hòa rồi đến vườn cao su ở Thủ Đức, với ý định áp đảo và bắt ông Quyền. Ông có đem theo một quả chanh định trói ông Quyền và nhét chanh vào miệng ông Quyền. Ông kể việc ông cầm dao như thế nào và ông Quyền chống cự lại như thế nào, mặc dù trên xe còn có một sĩ quan khác phụ ông. Ông Quyền cưởng lại nên mới bị bắn. Để dẫn chứng ông Lực chỉ bàn tay mặt của ông. Lúc bấy giờ tôi mới thấy là tay mặt ông bị băng trắng hết chỉ ló mấy ngón tay.
CÔNG TÁC TẠI HÒN CỌP:
... Vượt qua vĩ tuyến 17, các chiến đỉnh bao giờ cũng tắt đèn. Trên đảo thì mọi sự đều tối thui. Một màn yên lặng bao trùm các chiến đỉnh và trên đảo.
Bất thình lình, toán Biệt Hải báo cáo bị lộ khi vào gần đến trung tâm đảo phải mở đường máu để thoát ra bờ biển. Toán Biệt Hải đã trễ gần hai tiếng đồng hồ và đã đến giờ ấn định bởi lệnh hành quân cho chiến đỉnh rời vùng vì trời sắp sáng, trung úy Phúc, tuy không phải nhiệm vụ của anh nhưng anh xin đề nghị và tình nguyện xuống một xuồng cao su với một vài thủy thủ đem theo đèn cầm tay để tìm và hướng dẫn các xuồng Biệt Hải ra tàu. Tôi và hạm trưởng của anh đồng ý và rất thán phục hành động can trường của trung úy Phúc. Tôi đưa cho anh mượn khẩu súng lục nhỏ để xử dụng khi cần. Cuối cùng anh đã tìm thấy và hướng dẫn các xuồng Biệt Hải về tàu an toàn.
CHỈ THỊ CỦA TỔNG THỐNG THIỆU VỀ BẢO VỆ HOÀNG SA:
Sau khi trao thủ bút cho tôi, Tổng Thống Thiệu hỏi các vị tướng lãnh bộ binh hiện diện có ý kiến gì không. Không ai trả lời. Ông nói tiếp: “Chúng ta không để mất một tất đất nào cả.”
TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA:
Về phía tàu Trung Cộng thì một chiến hạm bị bốc cháy và khi bỏ chạy bị rướng lên đá san hô. Về phần Hải Quân Việt Nam thì chiến hộ tống hạm Nhựt Tảo bị trúng đạn ngay đài chỉ huy. Hạm trưởng bị tử thương và chiến hạm đang bốc cháy. Chiếc Lý Thường Kiệt cũng bị trúng đạn hải pháo, nước vào rất nhiều và chiến hạm bắt đầu nghiên một bên. Đại tá Ngạc cho biết tình trạng chiếc Nhựt Tảo rất nguy ngập. Tôi chỉ thị nếu có thể được thì cho chiếc nầy chạy thẳng và ủi vào bờ để ít nhứt để xác tàu là một chứng cớ chúng ta quyết tâm bảo vệ hải đảo. Tại chỗ chiếc Nhựt Tảo chìm thì một số thủy thủ đang lềnh bềnh trên mặt nước, người thì đeo phao, người thì bám vào tất cả những gì đang nổi trên mặt nước. Dã man nhứt là khi một số thủy thủ thuộc chiến hạm Nhựt Tảo đa số bị thương, bị tàu Trung Cộng bất chấp quy lệ về hải chiến tiếp tục bắn xối xả vào các chiếc bè, rất may chỉ có một nhân viên bị thương nhờ tất cả nằm sát xuống bè để tránh đạn. Tôi điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân tại Sài Gòn để xin cố vấn Hoa Kỳ can thiệp với Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ đến nơi để cứu vớt các thủy thủ Việt Nam đang bị nạn. Mãi đến mấy ngày sau, chiến hạm Mỹ vẫn không đến mặc dù các thủy thủ đang trôi trên biển trong hải phận quốc tế. Điều đó cho thấy là họ không muốn tham dự vào vụ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng và hơn thế nữa họ cũng không một hành động gì dù là một hành động nhân đạo.
CHIẾN ĐẤU ĐƠN ĐỘC NHƯNG CAN TRƯỜNG:
Sự hy sinh của các thủy thủ can trường vẫn còn là một bằng chứng bằng xương bằng máu để con cháu chúng ta tranh đấu trước tòa án quốc tế để đòi hỏi Trung Cộng phải giao trả các đảo này cho Việt Nam.
Ai là người Việt Nam có quyền hãnh diện là trận hải chiến Hoàng Sa là một trận hải chiến duy nhất của Việt Nam và của thế kỷ, chống ngoại xâm, và bảy thế kỷ sau khi tướng Trần Hưng Đạo đánh bại quân Mông Cổ từ phương Bắc, trên mặt nước.
Còn những ai nghĩ là Việt Nam Cộng Hòa còn lệ thuộc Mỹ phần nào thì đây là bằng chứng rõ rệt là việc tấn công lực lượng Trung Cộng là hoàn toàn do tổng thống Nguyễn văn Thiệu ra lịnh, không có sự đồng ý của Hoa Kỳ và không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ dù là nhân đạo tối thiểu như vớt người trôi trên biển cả.
Hải đội Việt Nam Cộng Hòa nổ súng chỉ là một hành động “tượng trưng nhưng cứng rắn” để chứng tỏ sự bảo vệ chủ quyền các đảo Hoàng Sa chớ không có mục tiêu hủy diệt hải đội của Trung Cộng.
Tổng thống Thiệu bị ở trong thế “chẳng đặng đừng.” Không phản ứng gì hết thì lịch sử sẽ kết tội hèn nhát mà đụng dộ với hải quân của một cường quốc như Trung Cộng thời bấy giờ là một quyết định táo bạo và can trường.
... Tinh thần yêu nước không cần được biểu lộ bằng những lời tuyên bố mát tai của những chính trị gia mà được biểu lộ một cách cảm động và hùng hồn nhất, bởi những thủy thủ của toán đổ bộ của tuần dương hạm Lý Thường Kiệt vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 19 tháng giêng năm 1974 tại Hoàng Sa trên xuồng cao su, khi mười lăm chiến sĩ Hải Quân can trường đồng ca bài “Việt Nam, Việt Nam” khi thấy chiến hạm Trung Cộng bị trúng đạn của chiến hạm Việt Nam. Bài hát này cũng là bài hát cuối cùng của hạ sĩ Nguyễn Văn Duyên vì sau mười ngày trên biển cả, ngày thì nóng cháy da, đêm thì lạnh thấu xương, hết lương thực, hết nước uống, đuối sức, anh Duyên đã trút hơi thở cuối cùng khi trôi dạt về tới Qui Nhơn.
ĐÀ NẴNG BỎ NGỎ
... Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã rời bỏ thành phố này, thành phố lớn nhứt miền Trung và là nơi trú đóng của Bộ Tư Lịnh Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1. Một thành phố bị bỏ ngỏ trong khi bộ binh của địch vẫn chưa vào thành phố.
TƯ LỊNH RỜI CHIẾN TRƯỜNG:
... Đại tá Trí tròng một áo phao vào người ông và tướng Trưởng thốt ra một câu, không biết ông muốn nói với ai: “Coi đây như là một cuộc tự thoát!” Rồi cả hai cùng bơi ra biển. Tướng Trưởng và đại tá Trí lên HQ 402 sau đó chuyển qua HQ 404.
LỊNH TỪ PHỦ TỔNG THỐNG:
... Nội dung của công điện từ Phủ Tổng Thống như sau: “Lịnh của Tổng Thống: lịnh tử thủ vẫn còn hiệu lực. Mọi sự bỏ tuyến đều sẽ quy trách cho Tư Lịnh và đơn vị trưởng.” Trung tướng Trưởng vừa đọc vừa khỏ nhẹ cây viết trên bàn.
SAU CUỘC CHIẾN
Dù thắng hay bại, trong một cuộc chiến tất cả chiến sĩ hai bên đều làm nhiệm vụ của mình dù theo lý tưởng khác nhau.
Sau cuộc chiến những chiến sĩ dù hy sinh cho một lý tưởng nào đó, khi chết trong bộ quân phục, đều là những anh hùng, thì khi đã nằm xuống phải được sự kính nể của những thế hệ sau.
Hai trăm năm nữa con cháu chúng ta khi học lịch sử Việt Nam sẽ không khen người thắng không chê kẻ bại nhưng sẽ ghi nhận sự can trường hay hèn nhát của những người tham chiến.
Vì thế những thế hệ mai sau sẽ không quên những anh hùng đã dũng cảm trên chiến trường từ Hải Quân thiếu tá Lê Anh Tuấn trên sông Nam, cho đến biệt hải Phạm Việt ngoài biển Bắc.



Những Bài Liên Quan:
• Thêm một hồi ký về Cuộc Chiến Việt Nam của người trong cuộc (Friday, March 09, 2007 1:22:56 PM)
Vào lúc 1 giờ chiều ngày mai Chủ Nhật 11 Tháng Ba, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, cựu Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại sẽ ra mắt cuốn hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại”, một cuốn hồi ký được kể lại “với sự thành thật nhất cho dù có động chạm đến một số nhân vật trách nhiệm vào thời gian đó.” Tác giả cho biết như vậy.
• Ðọc “Can Trường Trong Chiến Bại: Hành trình của một thủy thủ”, tác giả Hồ Văn Kỳ Thoại (Friday, March 09, 2007 5:25:56 PM)
“Can Trường Trong Chiến Bại”, cái tên sách mang cái vẻ như một lời biện minh, nhưng trong suốt 330 trang sách, tác giả, cựu phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại không hề biện minh cho một thất bại lớn lao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong biến cố 30-4-1975.
• Cựu phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ra mắt hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” (Sunday, March 11, 2007 2:06:17 PM)
Vào lúc 1 giờ 30 phút chiều Chủ Nhật, ngày 11 Tháng Ba, 2007 vừa qua, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, cựu Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã ra mắt hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” trước gần 200 cựu tướng lãnh, cựu chiến sĩ của các quân binh chủng QLVNCH và đồng hương người Việt Nam vùng Nam California.
• Sổ Tay Cựu Chiến Binh: Phải viết ngay những gì cần viết lại (Tuesday, May 08, 2007 2:33:34 PM)
Ý tưởng cho đầu đề của bài sổ tay hôm nay đến từ những buổi ra mắt sách gần đây tại Nhật Báo Người Việt: “Can Trường Trong Chiến Bại” (Hồ Văn Kỳ Thoại), “Nguyễn Khoa Nam” (Nhiều tác giả) và “Cơn Uất Hạ Lào (Bùi Ðức Lạc).
• Hồi ký của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Tuesday, August 07, 2007 1:48:41 PM)
Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại sanh tại quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, tốt nghiệp Khóa 4 Sĩ Quan Hải Quân (Đệ Nhứt Bắc Giải) tại Nha Trang. Ông Tốt nghiệp trường U.S. Naval Postraduate School (General Line) của Hải Quân Hoa Kỳ tại Monterey, California, khóa cao cấp Quản Trị Nhân Viên tại Pentagon, Washington DC, thực tập trên Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản.

Những chuyến đi đinh mệnh của Biệt Hải - Biệt Hải Hồng Phúc



LTS. - Ðể yểm trợ cho lễ giỗ của Biệt Hải sẽ diễn ra vào ngày 22 Tháng Bảy, 2007, chúng tôi tiếp tục đăng tải phần còn lại của bài “Những Chuyến Ði Ðịnh Mệnh” đã được đăng một phần mở đầu trên trang Diễn Ðàn Cựu Chiến Sỹ. Trong phần này, tòa soạn có chỉnh lại đầu đề.
Ngay trong các ghe đánh cá ngoài khơi cũng có các cán bộ của hợp tác xã ngư nghiệp hoặc công an đi theo kiểm soát. Bằng chứng là một số tù binh cán bộ Bắc Việt khi bị bắt đưa về giải giao căn cứ Phượng Hoàng thuộc Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc họ đều khai báo mọi mặt, đủ cho biết đời sống dân chúng miền Bắc thời đó rất khác xa với đời sống trong miền Nam tự do.
Vào thời điểm này hệ thống phòng thủ nhân dân miền Bắc đã được kiện toàn hết sức chặt chẽ, khiến mọi toán viên chúng tôi thật rất lo lắng nhất là khi nghe trưởng toán đề cập tới nhiệm vụ vào làng tìm bắt cán bộ, tức là đã tự “tìm vào cái bẫy của chúng”. Tuy rằng, ngoài mặt ai nấy vẫn tỏ thái độ hết sức trầm tĩnh, cốt không để lộ tình cảm dao động, nhưng ai nấy cũng dư hiểu và ý thức cao độ chuyến đi lần này được thành công an toàn trở về đều do ở tinh thần liên đới của đồng đội. Bằng ngược lại thì hậu quả thật khó đo lường.
Bắt đầu từ chiều hôm đó, cứ mỗi buổi tối khi mặt trời đã tắt bóng và màn đêm phủ xuống, chín nhân viên kể cả trưởng toán là mười và số cố vấn SEAL huấn luyện, tất cả âm thầm đi ra bờ biển cách cổng trước của trại 9 lực lượng Biệt Hải khoảng 500 thước thực tập. Có đôi lúc toán được học tập phía cổng sau sát gần chân núi. Trong giờ huấn luyện, tuy không ai nhắc nhở cho ai nhưng tất cả đều ý thức và chăm chú học tập. Lúc thì ở ngồi khơi dùng thuyền cao su bơi vào bờ, khi thì tập di hành rất xa trên nhiều địa hình khác biệt. Có nhiều đêm, cả toán bất ngờ tìm cách đột kích chớp nhoáng vào các phòng ngủ của trại Dân Sự Chiến Ðấu, là đơn vị phòng thủ của doanh trại Biệt Hải hay phòng ốc của các cố vấn Hoa Kỳ, tìm bắt những ai hiện diện trong đó giả như tù binh và dẫn tất cả ra ngoài bờ biển, hầu giúp cho nhân viên toán làm quen với phần vụ trách nhiệm y như lúc thi hành thật sự.
Vài ngày cuối cùng trước khi chính thức thật sự ra đi, toán Nimbus chúng tôi được các chiến đỉnh PTF chở đến thực hành công tác tại những vùng dân cư xôi đậu nằm phía trong bờ biển Cửa Ðại, Hội An-Quảng Nam, hoặc dọc bờ biển Quảng Ngãi đi vô. Những vùng này ban đêm hoàn toàn do du kích cộng sản kiểm soát. Mục đích là cấp trên muốn đo lường khả năng ứng phó của toán, và đồng thời giúp nhân viên trong toán quen với tình huống của mục tiêu miền Bắc sau này. Ða số những toán thực tập vào vùng xôi đậu đều đã chạm địch và thỉnh thoảng cũng xảy ra thương vong. Thời gian huấn luyện trôi qua thật nhanh và ngày giờ công tác thật sự đã điểm!
Giữa Tháng Sáu năm 1967 vào buổi chiều, trước giờ khởi hành tất cả nhân viên công tác đều có mặt tham dự một buổi thuyết trình ngắn gọn. Toán gồm mười anh em, chia nhau ngồi vòng tròn trong văn phòng của toán Nimbus. Các lần thuyết trình công tác như thế này hoàn toàn không có cố vấn Mỹ tham dự mà do nhân viên Việt Nam phụ trách. Thỉnh thoảng mới có các cán bộ cao cấp của sở xuống dự thính.
Máy bay thám thính U2 của không lực Hoa Kỳ
Trước mặt mọi người đặt một sa bàn do phòng hành quân thiết kế hết sức tỉ mỉ. Trong đó hiện lên những con đường quanh co dẫn tới bìa làng, địa thế sông rạch, cây cối, nhà cửa tất cả đều được dẫn giải hết sức đầy đủ. Phía trên tường treo hơn chục tấm không ảnh U2 trắng đen, tất cả đều lờ mờ không mấy rõ ràng do máy bay thám thính trên cao chụp được và ghi theo số thứ tự. Bên cạnh một tấm bảng đen có ghi ngày, tháng đề rõ mục tiêu thuộc tỉnh... Bắc Việt. Theo thuyết trình viên trưởng toán, đêm nay chúng ta nhận nhiệm vụ đi vào Quảng Bình tìm bắt một cán bộ cao cấp từ Hà Nội mới tới theo nguồn tin tình báo cho biết.
Thoạt nghe, tất cả đều tưởng tượng như truyện trinh thám nhưng khác ở chỗ đây là lệnh công tác thật sự mà mọi người bắt buộc phải thi hành. Tất cả anh em có mặt trong phòng thảy đều hồi hộp im lặng và cố lắng nghe, ghi tâm những lời trình bày hết sức mạch lạc của người trưởng toán qua lời lẽ đầy vẻ cương quyết khiến không khí căn phòng bây giờ trở nên yên tĩnh khác thường. Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào ông nhìn không chớp. Thỉnh thoảng, vài câu hỏi được nêu ra từ những thắc mắc của các toán viên nhưng không kém phần nghiêm túc. Cuối cùng, mọi người đều thấu hiểu về tầm quan trọng của chuyến công tác đêm nay. Trước khi chấm dứt ông tiếp, tất cả cấp trên họ đều mong muốn chúng ta hoàn tất nhiệm vụ, mọi người có mặt đồng loạt đáp lại “cố gắng”.
Toán rời trại đúng bốn giờ chiều cùng ngày gồm mười toán viên với hai xuồng cao su được đặt trên một trong hai chiếc GMC đều mang số xe ẩn tế màu xanh lá cây, có chữ T ở đầu. Ðến phiên mọi người lặng lẽ nối gót leo lên ngồi đối diện hai bên thành ghế. Trần xe sau đó được người tài xế Mỹ kéo xuống bao phủ kín mít. Lần này cũng do hai người tài xế cố vấn của toán chở thẳng xuống cầu tàu ở bên kia đường, cách trại Trần Hưng Ðạo của lực lượng Hải Tuần khoảng vài trăm mét. Ðoạn đường này chúng tôi từng đi qua nhiều lần nên đã quá quen thuộc. Thời gian hơn nửa tiếng đồng hồ ngồi trên xe ai nấy bất động. Thỉnh thoảng chỉ nhìn nhau một cách trầm ngâm như ngầm chia sẻ nỗi khó khăn bất trắc trong những giờ sắp đến. Quả thật tình đồng đội chưa lúc nào cảm thấy trân quí như lúc bấy giờ và nó đã tự vượt ra ngoài khuôn khổ tình cảm của gia đình vợ con. Trong thời gian vỏn vẹn vài giờ nữa thôi, con tàu định mệnh sẽ chuyên chở mọi người âm thầm chạy qua khỏi vĩ tuyến 17 để thi hành một phần vụ hết sức táo bạo và nguy hiểm. Trong lòng tôi chợt nghĩ dại, biết đâu trong số anh em và cả chính tôi sẽ không có may mắn để gặp lại người thân sáng sớm hôm sau!
Toán Biệt Hải đang huấn luyện tại cầu tàu Hải Tuần
Nhận xét chung của anh em chúng tôi là mỗi lần có tên đi thi hành công tác thì ai nấy đều tâm trạng xôn xao, hồi hộp. Nhưng có một điều thật lạ lùng và khó hiểu là khi đã đặt chân trên phần đất địch thì sự lo sợ ban đầu bỗng nhiên tiêu tan. Bấy giờ chỉ biết hoàn tất nhiệm vụ nhanh chóng để kịp thời gian trở ra điểm hẹn. Mải suy nghĩ vẩn vơ, hai chiếc GMC chạy tới bến tàu lúc nào không hay và hiện dừng lại trên một khoảng đất trống, gần cầu tàu bên cạnh văn phòng hành quân của sở. Người trưởng toán ngồi trước cạnh viên tài xế Mỹ vội vàng nhanh nhẹn mở cửa xe, đi thẳng vào phòng bộ chỉ huy hành quân họp bàn lần cuối cùng với những sĩ quan cao cấp Việt-Mỹ và các hạm trưởng PTF tham dự. Mục đích là để mọi phía phối hợp chặt chẽ cho chuyến công tác xâm nhập của toán tối nay. Phía ngoài, nhân viên chúng tôi cặm cụi chuyền mang hành lý cá nhân, phụ khiêng xuồng cao su, máy, bình xăng v.v... tất cả dụng cụ được mang xuống đặt trên boong tàu của chiếc PTF phụ trách chở toán.
Ðung năm giờ chiều, một hồi còi trên đài chỉ huy tàu PTF hú vang báo hiệu đoàn tàu sắp sửa rời bến. Thời tiết Tháng Sáu bắt đầu chuyển sang Mùa Hè nên bầu trời trở nên trong xanh và quang đãng, không một gợn mây. Quanh vùng Vịnh của Tiên Sa đều sóng êm gió lặng khiến tất cả anh em đều muốn ngồi lại trên boong phía sau phòng lái cố nhìn ngắm cảnh sắc lần cuối. Xa gần, một số ghe thuyền dân chúng hành nghề đang chạy xuôi ngược nom thật vui mắt. Mọi người đang được hít thở không khí trong lành của gió biển thổi tới, khác hẳn với những lần mưa to gió lớn khi mọi người đành phải chui xuống hầm tàu chật chội, ngửi toàn mùi dầu máy bốc ra rất khó chịu, cộng thêm với tiếng máy chạy đinh tai nhức óc làm mọi người dễ bị say sóng. Trong lúc đó, ba chiếc chiến đỉnh PTF nhờ thời tiết thuận lợi vẫn lầm lũi thả hết tốc độ phăng phăng tiến lên phía Bắc. Nhiều đợt sóng lớn nhỏ ầm ầm ập tới nhưng không đủ sức mạnh để ngăn cản đoàn kình ngư từ phương Nam đang chở mười chiến sĩ Biệt Hải tiến vào mục tiêu. Lợi dụng thời gian tầu đang hải hành, mọi người cố tìm cho mình một chỗ khuất gió nằm tĩnh dưỡng dỗ dành giấc ngủ, hầu tăng thêm tinh thần và niềm tin trong những giờ sắp đến.
Khoảng chín giờ đêm, một hồi còi ngắn từ phòng lái vang lên báo cho nhân viên biết giờ sẵn sàng đổ bộ. Hiện con tàu sắp sửa tiến vào điểm mục tiêu của công tác. Sau khi hồi còi chấm dứt, trong phòng bây giờ chẳng ai gọi ai, từ trưởng toán đến nhân viên, mọi người nhất loạt ngồi dậy kiểm soát lại cho mình lần cuối, tất cả dụng cụ mang theo như súng đạn, áo phao, đèn pin, súng hỏa châu đeo vào cổ để bắn báo hiệu cấp cứu khi cần thiết. Trong khoảng khắc, mọi thứ xong xuôi chỉ đợi hạm trưởng ra lệnh. Ðang loay hoay đứng trông vào bờ tìm kiếm vị trí, bỗng ai đó bên cạnh (trời tối nên tôi không nhớ rõ) vỗ vai trao tôi điếu thuốc đang cháy dở dang, bảo hít vài hơi trước khi xuống thuyền cho đỡ thấm lạnh. Nhận điếu thuốc đúng trong lúc lòng đang thèm khói tôi vội vàng rít liên tục mấy hơi liền, lòng thầm cám ơn lòng tốt của người bạn nhưng trong đầu vụt lên ý nghĩ, tí nữa đây vào bờ nếu chẳng may gặp nạn liệu ta còn có cơ hội để hưởng giây phút thần tiên này nữa hay không? Vừa lúc đó, tiếng hạm trưởng từ phòng lái dùng loa phóng thanh ra lệnh thả toán đã vội kéo tôi về với thực tại. Hai thuyền cao su được mọi người phụ giúp thòng dây cho thả nhẹ nhàng xuống nước. Tiếp đến, nhân viên phụ trách lái thuyền nổ máy. Vài tiếng ơi ới của anh phụ trách lái thuyền từ dưới vọng lên nhờ các bạn Hải Tuần trên tàu mở dây. Trưởng Toán Ấn với hải bàn trên tay chỉ hướng cho thuyền cao su trực chỉ chạy ngay vào bờ biển Quảng Bình. Một lúc sau ngoảnh đầu nhìn lại thấy các PTF xa dần rồi thoáng chốc biến mất hẳn trên mặt biển tối đen.
Hiện giờ trong đất liền thấp thoáng nhiều đám cháy đang lập lòe mỗi lúc một lớn dần theo hướng tiến của hai chiếc thuyền cao su đang đà chạy vào. Tất cả đám cháy này đều phát xuất do các phi vụ do không lực Hoa kỳ từ hạm đội bay vào oanh tạc. Phía dưới đất, nhiều đường đạn lửa phòng không của bộ đội Bắc Việt bắn lên cùng lúc. Tiếp theo là ánh sáng hỏa châu từ các phản lực cơ lần lượt bung ra để ngăn cản hỏa tiễn tầm nhiệt trong đêm khiến cho vùng trời Quảng Bình rực sáng đã giúp chúng tôi ở ngoài thuyền trông thấy một cách dễ dàng. Mọi người trên thuyền đều nghĩ không ngờ chiến trường miền Bắc cũng sôi nổi tang thương, đâu thua kém gì chiến trường trong miền Nam hiện thời.
Trưởng Toán Ấn ngồi cạnh cầm máy liên lạc báo thẩm quyền ngồi PTF biết hiện hai thuyền cao su đã tiến gần sát mục tiêu. Bất chợt, ông bảo người lái thuyền tắt máy rồi ra dấu cho mọi người lấy dầm chèo, tay chèo nhè nhẹ cho thuyền tiến vào bờ vì sợ tiếng máy trên xuồng cao su gây nên tiếng động tạo sự chú ý cho những toán dân quân bộ đội đang tuần tiễu trên bờ. Khi thuyền cao su cách bờ khoảng 1,000 mét ông bèn cắt hai người ở lại giữ thuyền và dặn dò họ phải bảo vệ cẩn thận. Còn lại tám người, chân nhái súng đạn nhẹ nhàng lao mình xuống nước, bám nhau bơi thẳng vào bờ. Khi chân chấm đất, hai tiền sát vội chia hướng chạy lên phía trước quan sát địa thế. Hồi lâu, một trong hai người đứng trên ra dấu an toàn bằng đèn hiệu. Nhận đúng ám hiệu, trưởng toán Ấn cho lệnh tất cả chạy nhanh về hướng tiền sát đang đợi.
Theo sự hoạch định ở phòng thuyết trình thì toán có bổn phận len lỏi tìm kiếm đến nhà cán bộ, nhưng khổ nỗi trước mắt hiện thời quang cảnh hoàn toàn khác hẳn những gì đã được mô tả trong phòng thuyết trình. Từ thời tiết đến cảnh vật, tất cả đều lạ lẫm thì nói gì tìm đến được nhà cán bộ trú ngụ lúc này! Giờ thì “một phút lỗi lầm, ngàn năm di hận”. Sau mấy phút suy nghĩ, Trưởng Toán Ấn nhanh chóng quyết định, gọi hai tiền sát đến bảo nhỏ, hai anh cố bám theo đường mòn đi lần tới bìa làng rồi tìm vào căn nhà đầu tiên ráng bắt cho được một người, bất luận đàn ông hay đàn bà rồi khôn khéo dụ hỏi may có thể tìm ra manh mối.
Hai người tiền sát y lời cùng sáu anh em âm thầm mò mẫm lần tới. May thay họ đã gặp được một căn nhà lá xiêu vẹo nằm trơ trọi đầu xóm, sát bên lề đường. Theo lời căn dặn của trưởng toán, Thi và Tiến len lỏi vào đứng trước cửa nhà gõ cửa. Ở trong có tiếng vọng ra hỏi lớn: “Ai đó?” ù ù. Với giọng phát âm rất đúng địa phương Quảng Bình, Thi lên tiếng: “Tụi tui là công an của huyện, yêu cầu đồng chí mở cửa”. Cánh cửa phên từ từ hé mở. Một người đàn ông lớn tuổi đứng trong ló đầu ra ngoài, trên tay đang cầm một ngọn đèn dầu đốt bằng tim bấc. Khi ông này nhìn thấy hai người tiền sát tất cả đều mặc áo quần bà ba đen, quần xắn ống cao ống thấp lộ hẳn đôi dép râu Bình Trị, trên vai cả hai đều mang AK-47 như thể các công an của huyện xã thứ thiệt làm cho người đàn ông tưởng thật không tỏ vẻ nghi ngờ. Sẵn đó, hai anh liền yêu cầu ông ra trước sân nhà nói chuyện cho tiện. Lúc đó tổ bắt tù binh ai nấy bố trí sẵn sàng trong các lùm cây bên hông nhà. Vừa trông thấy người đàn ông lững thững đi ra, nhanh như cắt tất cả nhảy ra cùng một lượt mạnh tay đè người đàn ông này xuống, lấy còng khía vào hai cổ tay và đồng thời dí súng vào bên hông dẫn người thường dân kia vừa đi vừa chạy, thoát nhanh khỏi căn nhà một quãng khá xa.
Lúc ấy cả thân người ông run lên bần bật, miệng thốt không thành tiếng. Từ trong bóng đêm, trưởng toán đi lại ghé sát tai người thường dân và hỏi: “Ðồng chí có biết chỗ ở của người cán bộ mà hiện chúng tôi muốn gặp hay không? Hãy suy nghĩ và nên thành khẩn khai báo sự thật, nếu cứng đầu la lên e rằng khó toàn tánh mạng”. Theo kinh nghiệm các chuyến trước đây, lúc này nhất cử nhất động của người đàn ông đều được anh em trước sau để mắt theo dõi. Chúng tôi được ông chấp nhận hướng dẫn toán băng qua nhiều căn nhà trong xóm. Từ nãy đến giờ tính ra khá lâu, có lẽ vì sự nôn nóng của chúng tôi, phần nữa vì không thấy ông dừng lại nghỉ đã làm mọi người lắm lúc đâm ra hồi hộp. Cũng may chưa nghe được tiếng chó sủa trong xóm. Thình lình mọi người thấy ông đứng lại trước mặt một căn nhà cuối xóm rồi lấy tay chỉ vào và nói: “Nè nhà của eng (ông) cán bộ các eng muốn hỏi ở chỗ nớ tề”.
Giờ phút này chúng tôi mới thật sự an tâm vì đã đến được mục tiêu nhưng rồi âu lo chuyện khác vì không biết kết quả sắp tới thế nào? Từng tổ tự động chia ra nằm ngồi chờ đợi khoảng ba phút, cốt để theo dõi tình hình chung quanh rồi mới quyết định. Phía trong căn nhà hiện vẫn hoàn toàn vắng lặng. Ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu leo lét trong nhà tỏa không đủ sáng. Ở chỗ chúng tôi đang nằm, ôi thôi từng đàn muỗi đói chúng đánh được mùi đã rủ nhau nhanh nhẹn bay tới vo ve bên tai mỗi lúc càng đông, liên tục sà xuống đâm vào da thịt mọi người hết sức lì lợm. Tất cả anh em bắt buộc phải cắn răng chịu đựng vì sợ gây ra tiếng động lúc này thì hỏng mọi chuyện. Khi thật sự đã nắm vững tình hình chu vi trong ngồi căn nhà, trưởng toán ra dấu cho từng tổ tìm cách đi sát vào gần nhà rồi chia nhau nằm án ngữ các lối ra vào. Lúc này, bổn phận hai anh Thi và Tiến là đi sát vào gần rồi lấy tay gõ nhẹ trên vách thành cửa và đồng thời lên tiếng: “Tụi tui thuộc bộ đội công an huyện, được lệnh về đây để hợp tác làm việc với đồng chí”. Tức thời trong nhà có người đi ra mở cửa. Lợi dụng lúc bất ngờ sơ hở, tổ bắt tù binh đồng loạt đạp cửa xông vào nhà nhưng chỉ trông thấy một mình người cán bộ. Phần vì bất ngờ, phần vì tổ bắt tù binh ra tay quá nhanh và mạnh khiến tên cán bộ không kịp phản ứng. Mọi người hè nhau xáp lại dùng thế kẹp cổ, còng tay bịt miệng lôi y dẫn chạy ra ngoài. Anh em còn lại trông thấy tất cả hiểu ý vội rời mục tiêu. Sau khi rời khỏi căn nhà của tên cán bộ chưa đầy mười phút, chúng tôi chợt nghe thấy tiếng mõ, tiếng phèng la gõ báo động liên tục khắp nơi. Tiếp đến, nhiều loạt đạn của toán dân quân bắn đuổi theo về phía chúng tôi đang di chuyển.
Biết toán đã bị bại lộ, mọi người càng ra sức thúc hối vừa đi vừa chạy, cố tìm hướng thẳng ra bờ biển thoát thân. Trong phút giây hiểm nguy gần kề anh em không thể dẫn theo hai người tù binh cùng một lúc. Vì sợ không kịp thời gian nên Trưởng Toán Ấn quyết định thả người thường dân cho về và chỉ dẫn tên cán bộ chạy theo toán trên đường rút lui. Riêng tổ hậu vệ đi sau thỉnh thoảng phải đứng lại bắn trả nhiều loạt AK truy cản cho toán phía trước. Ðang lúc cấp bách thập phần nguy hiểm ấy, một cơn mưa giông đột nhiên xuất hiện rồi ào ạt trút nước xuống như thác khiến bầu trời đang tối lại càng tối thêm, vô tình đã gây ra không biết bao nhiêu trở ngại cho toán trên đường rút lui.
Phía trước, hai tiền sát vẫn lầm lũi xông xáo tìm đường đi ra. Tuy nhiên, bây giờ đường lối trở nên trầy trụa và trơn ướt vì bị cơn giông vừa rồi làm tiền sát viên Nguyễn Văn Tiến trong lúc bất ngờ trợt chân té ngã cả người xuống một hố sâu, ước chừng 15 đến 20 thước. Không rõ hố này có phải là hố bom do phi cơ oanh tạc hay là hố của dân chúng đào để ẩn tránh máy bay bỏ lại. Ngay lúc đó trên miệng hầm, một số anh em nghe được phía dưới báo lên cho biết hiện anh Tiến đã gãy một chân không còn đứng vững được nữa. Cùng lúc đó, tiếng súng lẫn tiếng mõ, tiếng dân quân biên phòng la hét chạy đến tìm cách bao vây chúng tôi mỗi lúc một gần thêm. Trưởng Toán Ấn ra lệnh phân nửa toán vòng ngoài bắn chận hậu, cốt kéo dài thời gian. Số anh em còn lại cố tìm phương cách giúp kéo anh Tiến lên khỏi miệng hầm nhưng cuối cùng vẫn không đạt được kết qủa. Thông thường, tổ phụ trách tù binh chỉ mang theo tối đa là 7 hoặc 10 thước dây, vừa đủ trói và dẫn dắt tù binh. Sợi dây này còn được dùng để kéo tù binh từ bờ ra thuyền cao su. Nhưng hiện giờ, sợi dây đang được dùng để cột người tù binh cán bộ và chiều dài đoạn dây cũng không đủ để thòng xuống phía dưới cứu anh Tiến lên. Mọi người đành đứng trên miệng hố thúc thủ!
Trước nghịch cảnh hiện tại không phương kế cứu cấp, còn người bạn ở dưới thì đang ngước lên chờ đợi từng phút từng giây. Trong lúc đó, dân quân bộ đội của chúng đang huy động từ từ siết chặt vòng vây. Vài anh em động lòng thương cảm lấy đèn pin rọi xuống hố thấy hình bóng của anh Tiến dưới đó lờ mờ ngước trông lên mà lòng càng thêm tê tái! Hoàn cảnh sao xảy ra trớ trêu đến thế, không đầy một tiếng đồng hồ nữa thôi, anh Tiến và chúng tôi tất cả sẽ xuống thuyền trở ra tàu về Nam, được gặp lại vợ con và những người thân thuộc. Trong khi tất cả ở trên lính quýnh suy tính tìm cách, bỗng nghe anh Tiến từ dưới vọng lên: “Giờ phút này các bạn không còn cách gì cứu tôi được nữa! Vì an toàn và trách nhiệm các anh cứ về đi”. Mới cách vài tiếng đồng hồ trước đây, anh cùng chúng tôi san sẻ hiểm nguy với nhau, thế mà bây giờ định mệnh lại cố tình ngăn cách làm kẻ dưới người trên bờ âm thầm tuyệt vọng. Làm sao có thể đành tâm bỏ anh một mình trong hoàn cảnh bức thiết thế này? Trên mặt kim đồng hồ hiện điểm gần 5 giờ sáng, giờ báo hiệu hối thúc anh em hãy mau tìm đến gặp nhau tại điểm hẹn. Trước tình thế lưỡng nan đó, trưởng toán đành miễn cưỡng đi lại miệng hầm, cúi xuống thay mặt anh em nghẹn ngào nói lời từ biệt, rồi ra lệnh dẫn tên tù binh tiếp tục mở đường tháo chạy.
Khi tất cả đã lội ra được ngoài thuyền cao su đầy đủ, Trưởng Toán Ấn gọi báo cáo tình hình cho thẩm quyền ở ngoài chiến đỉnh PTF và trình bày sự việc. Các hạm trưởng khuyên toán hãy gắng đậu lại chờ thêm thời gian, biết đâu sẽ thấy được dấu hiệu anh Tiến. Nhưng giây phút trôi qua càng lúc càng nhanh mà tin tức về Biệt Hải Nguyễn Văn Tiến thì mỗi lúc càng thêm biền biệt. Ngước nhìn hướng Ðông, vầng thái dương sắp ló dạng lên cao nên toán chúng tôi không thể nán đợi thêm nữa. Ở phía trong bờ, bộ đội dân quân biên phòng Bắc Việt vẫn đang đi tìm kiếm lùng bắt. Cuối cùng, tất cả đành hướng vào bờ như một lời vĩnh biệt âm thầm tiễn anh Tiến lần cuối. Cả hai thuyền cao su đều trực chỉ chạy ra hướng PTF.
Sáng hôm sau về đến trại 9, theo đúng thủ tục, Bộ Chỉ Huy Sở Phòng Vệ Duyên Hải đã phái nhân viên qua tận địa chỉ nhà vợ của Trung Sĩ I Nguyễn Văn Tiến báo cho thân nhân gia đình biết anh đã bị mất tích trong khi thi hành công tác. Sau đó vài hôm, tất cả toán Nimbus chúng tôi đã tới giáo xứ Tam Tòa, Ðà Nẵng tham dự lễ cầu bình an cho anh. Chúng tôi luôn tin tưởng và hy vọng anh vẫn còn sống. Nhưng sau năm 1975 và mãi đến bây giờ, vài anh em đôi lần có dịp ghé đến nhà chơi hỏi thăm tin tức về anh nhưng được gia đình cho biết từ đó đến nay không còn nghe thấy tin tức gì về anh cả! Thật sự Biệt Hải Nguyễn Văn Tiến đã không bao giờ trở lại, như chính anh đã từng chấp nhận trước khi gia nhập đơn vị, thề xin chọn cái chết trên phần đất quê hương Quảng Bình, nơi đã sinh ra và cưu mang anh lớn khôn như lời trăn trối trước khi giã từ bạn bè. Trong thân thương âm thầm của mỗi nhân viên Biệt Hải cho dù bất cứ ở đâu, chúng tôi vẫn một lòng một dạ nhớ thương và quí trọng anh. Ðặc biệt đối với tất cả các Chiến Sĩ Vô Danh đã vị quốc vong thân như anh thì...
Còn hay mất vẫn một đời oanh liệt
Mộng kình ngư chưa thỏa chí anh hùng.
Sau thời gian đó không lâu, toán Nimbus chúng tôi lại được Sở Tâm Lý Chiến chỉ định và giao phó một phần vụ công tác để chuyển đưa một số đồ chơi ra vùng Thanh Hóa, Bắc Việt vào dịp Tết Trung Thu năm 1967. Ðối với lực lượng Biệt Hải, bất kỳ chuyến công tác nào cũng thuộc vào loại quan trọng. Nhưng đặc biệt chuyến này có thêm vài điểm hết sức khác lạ hơn những chuyến khác rất nhiều. Bởi vì trong một lúc, toán phải thi hành cả hai nhiệm vụ: Ðó là bắt cóc cán bộ tại các địa phương miền Bắc đưa về Nam để giao lại cho Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc khai thác tin tức. Ngoài ra, toán Nimbus còn được Sở Tâm Lý Chiến trao thêm trách nhiệm “chiến tranh tâm lý” nữa. Vì lúc đó đúng vào dịp Tết Trung Thu nên toán phải mang những gói quà biếu tặng của PTGTAQ, gồm các thứ kẹo bánh, đồ chơi v.v... tất cả được đem ra theo chuyến công tác để trao lại cho những gia đình có con em tại một số vùng thuộc miền duyên hải Thanh Hóa.
Tất cả những thứ này đã được Sở Tâm Lý Chiến gói sẵn trong các bọc nylon nhiều lớp hết sức kín đáo vì sợ bị thấm nước. Sáu anh em toán Nimbus chúng tôi chỉ biết thi hành để hoàn tất nhiệm vụ. Vì thế nên chuyến này toán được thực tập hết sức kỹ càng và chu đáo. Ngoài bản đồ và sa bàn, mọi người còn được cấp trên cho xem nhiều tấm không ảnh U2 chụp trong một vùng rất nhiều xóm nhà sát biển nghèo nàn. Cũng như những chuyến trước, vấn đề phương tiện chuyên chở các toán Biệt Hải để thi hành công tác lần này cũng thế, dĩ nhiên đều do các chiến đỉnh PTF của Lực Lượng Hải Tuần đảm trách chở từ Ðà Nẵng ra đến vùng biển Thanh Hóa, rồi từ đó các toán mới dùng loại xuồng nhỏ cao su chạy vào các địa điểm công tác. Ðúng hai giờ sáng, chúng tôi đến mục tiêu mà cấp trên đã chỉ định. Ðó là một xóm nhà lá chài lưới trông rất nghèo nàn thuộc vùng duyên hải Thanh Hóa. Khi đến nơi, trước tiên chúng tôi dò hỏi tìm đến nhà trú ngụ của viên cán bộ nhưng không thấy hắn ở nhà. Anh em chỉ gặp toàn là ông già bà lão và một số em nhỏ. Tiện đó, chúng tôi đem ra phân phát những gói quà Trung Thu cho một số gia đình. Tiếp đến, vài anh em trong toán tìm cách cắm cờ Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc trong khu xóm rồi ngầm ra hiệu cấp tốc rút lui trở ra bờ biển, đề phòng trong nhà sẽ có người đi báo cáo công an. Trong giây phút gặp gỡ chuyện trò ngắn ngủi đó, anh em đã nghe một số dân chúng nói lời cám ơn rối rít sau khi nhận quà và luôn gọi sáu anh em chúng tôi là cán bộ mặt trận. Cùng lúc có vài người trẻ bạo miệng xin được đi theo chúng tôi. Nhưng chuyến này anh em toán không có lệnh bắt thường dân đưa về Nam khai thác tin tức như mọi lần trước đây nên vội từ chối nói khéo “Mặt Trận”, tức chúng tôi sẽ đến gặp lại họ trong những lần tới. Theo cảm nghĩ của anh em trong chuyến, với cuộc sống cơ cực đầy khó khăn thế này không biết số quà mà mọi người vừa nhận có được cất giữ để dùng hay lại bị công an của phường, xã tịch thu?
Cho đến bây giờ, ít có người biết được một cách đầy đủ về hoạt động của các toán Biệt Hải chúng tôi trong những chuyến công tác đặc biệt tại những vùng duyên hải miền Bắc Việt Nam. Ngay trong nội bộ Sở PVDH, mọi tin tức cũng đều được giữ kín. Các nhân viên Biệt Hải vẫn chưa bao giờ được chia xẻ những giây phút hiểm nguy bậc nhất trong cuộc đời của mình mà vẫn phải giữ kín cho đến ngày hôm nay. Hy vọng bài viết này đã nói lên được một vài điều bí mật về cuộc chiến Việt Nam.
Biệt Hải Hồng Phúc
(Thành viên toán Nimbus trong thời điểm 1965-1968)

Những chuyến công tác giải cứu tù binh bất thành từ năm 1969-1971




LTS.- Ngày 22 Tháng Bảy, 2007 tới đây, lực lượng Biệt Hải sẽ tổ chức lễ giỗ cho những anh hùng tử sĩ của đơn vị và phát hành Ðặc San Biệt Hải. Mục Diễn Ðàn của nhật báo Người Việt trích đăng bài này từ Ðặc San Biệt Hải để yểm trợ. Bài dài đăng nhiều kỳ.
Vào cuối năm 1968 Hoa Kỳ quyết định ngưng oanh tạc Bắc Việt nên các cuộc hành quân tại miền Bắc của lực lượng Hải Tuần và lực lượng Biệt Hải xem như chấm dứt. Hàng tuần, các chiến đỉnh Hải Tuần ra khơi thao dượt phòng không, tác xạ. Các chiếc PTF nằm bến được các thủy thủ đoàn Việt Nam và các chuyên viên hải quân Hoa Kỳ phụ trách việc bảo trì tu bổ cẩn thận để sẵn sàng khi hữu sự. Còn các toán Biệt Hải thì ngày ngày lo luyện tập bồi dưỡng chuẩn bị công tác trở lại khi tình hình thay đổi. Trong lúc chờ đợi, thỉnh thoảng các PTF và các toán Biệt Hải tham dự các chuyến hành quân đột kích vào các mật khu Cộng Sản dọc duyên hải Vùng 1 và Vùng 2.
Sau vụ biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, cường độ của cuộc chiến trên toàn lãnh thổ miền Nam đã gia tăng mãnh liệt. Trước tình thế nhu cầu chiến trường miền Nam và thể theo đề nghị từ cấp chỉ huy ở trung ương, Sở Phòng Vệ Duyên Hải quyết định gửi các toán Biệt Hải tăng phái vào Nam hoạt động trong các công tác xâm nhập vào các mật khu của Cộng Sản. Trước tin này anh em Biệt Hải rất phấn khởi, được vinh dự góp phần chiến đấu cùng đơn vị QLVNCH để bảo vệ phần đất tự do thân yêu còn lại trong đó có các sông rạch màu mỡ miền Nam, áp dụng chiến thuật đặc công đánh trả lại địch.
Ðịa thế tại Vùng 4 Chiến Thuật có nhiều sông rạch đầm lầy, khác với địa thế duyên hải miền Bắc mà các toán Biệt Hải đã từng hoạt động. Bởi vậy trước khi khởi sự vào miền Nam công tác, cấp trên đã chỉ thị nhân viên các toán gia tăng huấn luyện thêm thời gian một vài tuần lễ về cách vượt sông (bơi qua lại sông Hàn-Ðà Nẵng gần cầu Trịnh Minh Thế), các chiến thuật tập kích chớp nhoáng ban đêm v.v... hầu giúp mọi người thích nghi làm quen địa thế những nơi mà các toán Biệt Hải sắp được gửi đến công tác nay mai.
Sau thời gian khóa học bổ túc hoàn tất, một buổi sáng sớm tất cả toán chúng tôi được Bộ Chỉ Huy chở sang tận phi trường Ðà Nẵng để vào Nam công tác. Phương tiện chuyển vận sẽ do MACV cung cấp. Một chiếc máy bay thuộc loại C-130 từ Sài Gòn bay ra đáp xuống bốc chở riêng toán Biệt Hải Nimbus. Sau đó chiếc phi cơ lại lẹ làng cất cánh. Phi hành đoàn máy bay tất cả đều người Ðài Loan. Toàn thân máy bay sơn màu xanh lá cây. Hai bên hông không gắn bảng số hay huy hiệu. Sau mấy giờ bay chiếc C-130 đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất và ngừng đậu một chỗ riêng biệt. Một lần nữa, anh em toán lần lượt rời khỏi máy bay với tất cả hành lý súng đạn, chia nhau lên mấy chiếc GMC do Nha Kỹ Thuật phái tới đang chờ sẵn phía cửa sau của đuôi máy bay. Ðoàn xe GMC nầy cũng được sơn màu ngụy trang tương tự như chiếc C-130 vừa rồi, khác ở chỗ tất cả bảng xe đều sơn màu vàng mang hàng số ẩn tế chữ “T” đầu, chở toán Nimbus một mạch chạy xuống căn cứ Ðồng Tâm-Mỹ Tho.
Có thể nói đây là lần đầu tiên mà toán Biệt Hải chúng tôi gửi đến thi hành công tác tại Vùng 4 Chiến Thuật. Trên chặng đường những nhân viên sinh trưởng miền Nam tất cả vui mừng khi được gặp lại cảnh cũ làng xưa. Còn anh em quê miền Trung thì lấy làm bỡ ngỡ vì không ngờ đời sống miền Nam lại trù phú nhộn nhịp đến thế.
Khoảng xế chiều cùng ngày tất cả toán Biệt Hải Nimbus đến căn cứ hải quân Hoa Kỳ thuộc Ðồng Tâm-Mỹ Tho và được một số cấp chỉ huy của căn cứ đứng đợi. Sau đó vài sĩ quan hướng dẫn anh em chúng tôi tới một khu nhà biệt lập dành riêng toán Biệt Hải tạm trú trong thời gian công tác. Thời gian sau này mỗi lần các toán Biệt Hải biệt phái vào Nam đều được tạm trú trong các căn cứ của hải quân hoặc trên những chiến hạm Hoa Kỳ. Các nơi đó có bổn phận chu cấp ăn uống cũng như lo phương tiện chuyên chở. Trong khi lưu lại, các cố vấn Mỹ liên lạc với căn cứ để cung cấp các tiện nghi cũng như phương tiện cho nhân viên Biệt Hải giống như quân nhân của Mỹ phục vụ trong căn cứ.
Vừa đặt chân đến căn cứ đêm đầu tiên, chúng tôi được nếm mùi vị pháo kích của Việt Cộng vào căn cứ. Có thể nói đây là sự việc hết sức mới mẻ đối với chúng tôi. Trước đây các toán Biệt Hải hoạt động ngoài duyên hải miền Bắc, ngoại trừ máy bay hạm đội bay vào giội bom, nên không biết pháo kích là gì. Sau ba ngày anh em nghỉ ngơi lấy sức, tối nay toán Nimbus chúng tôi bắt đầu nhận lệnh khởi hành công tác. Trước giờ đi anh em toán được các sĩ quan hành quân phối hợp với các cố vấn của toán thuyết trình về mục tiêu, đồng thời cho biết chi tiết về tình hình bạn địch chung quanh căn cứ Ðồng Tâm và nhiệm vụ của chúng tôi. Trong đêm nay toán Nimbus làm thế nào bắt sống tù binh để đưa về khai thác tin tức và chỉ nổ súng trong trường hợp cần thiết. Ðiều làm mọi người trong toán lo ngại vấn đề mìn bẫy. Nghe nói vùng này có nhiều mương rạch và nhiều dừa nước mọc lên chằng chịt thường được du kích Việt Cộng hay gài mìn bẫy. Còn vấn đề gặp địch là chuyện may rủi. Một điều chắc chắn phía du kích Việt Cộng hiện cũng không ngờ toán Biệt Hải chúng tôi đang có mặt trong vùng.
Khoảng tám giờ tối, toán Biệt Hải được hai giang tốc đỉnh PBR (Patrol River Boat) của hải quân Hoa Kỳ chở đi, mỗi chiếc đều trang bị vũ khí khá hùng hậu. Ngoài khẩu đại liên 50 bắn bằng điện, hai bên hông còn có hai khẩu M-79 liên thanh, những đầu đạn M-79 màu vàng nổi lên óng ánh như trái bắp ngô. Cả hai chiếc tàu chạy hơn một tiếng đồng hồ lướt qua nhiều khúc sông, mương, rạch cuối cùng đến được địa điểm đổ toán. Vừa đến nơi thuyền trưởng tăng hết tốc độ điểu khiển cho mũi tàu trượt ủi lên trên mép bờ, làm sóng nước dạt ra hai bên khiến nhiều bụi cây lần lượt bị lườn tàu đè bẹp, phát ra tiếng kêu sột soạt. Cùng lúc từ phòng lái tối om lệnh người thuyền trưởng Hoa Kỳ vang lên ngắn gọn đủ nghe: “Go, Go.” Chúng tôi chẳng ai chờ ai, cùng đồng loạt phóng xuống hai bên mé nước trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị di chuyển. Hai chiếc tàu đổ toán xong xuôi lặng lẽ rút lui một cách êm thấm. Tiếng máy tàu mỗi lúc xa dần. Trong chốc lát tất cả cảnh vật chung quanh đều trở lại yên tĩnh còn toán Biệt Hải khởi động di chuyển.
Trên đường đi mọi người lội qua nhiều khúc sông, mương rạch sình lầy hết sức vất vả. Cuối cùng xóm nhà lá điểm chính mục tiêu tối nay hiện ra trước mắt như tại phòng thuyết trình cho biết. Ðiều làm chúng tôi ngạc nhiên giờ nầy dù đã quá khuya nhưng mọi nhà vẫn còn thắp đèn và hầu như cả xóm. Trong ánh sáng lờ mờ của những ngọn đèn dầu leo lắt tỏa yếu ớt, thỉnh thoảng nghe tiếng chuyện trò cười cợt đứt quãng sau những căn nhà khuất lấp vọng ra. Ngoài bìa làng toán chúng tôi vẫn âm thầm tiến bước, tìm điểm thuận lợi nằm đợi phục kích và vị trí được trưởng toán chọn lựa nằm lại, bên cạnh một con đường mòn dẫn vào ngay xóm.
Ðã hơn ba giờ sáng, cảnh vật chung quanh trở nên vắng lặng. Bỗng đằng xa chúng tôi phát hiện tiếng người cười nói mỗi lúc càng gần, giọng nghe nhừa nhựa như những người say rượu. Hình như cả bọn đang đi về hướng toán nằm chờ đợi. Ðúng theo dự đoán bọn họ tất cả ba người và người nào cũng say xỉn lỉn, bước đi không vững. Hai bên khoảng cách không quá ba thước trong tầm kiểm soát của toán. Chúng tôi trông thấy mỗi người trên vai khoác toòng teng một khẩu AK-47, mũi súng lắc qua lắc lại theo nhịp đi hai hàng không đều. Trong bóng đêm, tiếng của trưởng toán hô lên: “Ðứng lại!” đồng thời chúng tôi tất cả nhảy ra bắt sống. Trong số ba tên có một tên hoàn hồn tỉnh lại nghe hắn hét lớn: “Có quỉ, quỉ tụi bây ơi!” rồi vùng thoát chạy. Trước giờ khởi hành toán đã nhận lệnh cấp trên đêm nay ưu tiên bắt sống tù binh đem về khai thác, ngoại trừ bắt buộc tự vệ thì mới khai hỏa để bảo mật cho những công tác sắp tới. Nếu không thì tên du kích tháo chạy hồi nãy có lẽ đã được anh em giúp đưa đầu thai. Còn lại hai tên vì quá say đã bị chúng tôi bắt sống, tịch thâu trên người được một khẩu AK-47 và một súng ngắn K-54. Có lẽ nghĩ đây thuộc vùng cấm địa của chúng, nhất là ban đêm nên cả bọn tha hồ ăn no uống say lơ là cảnh giới.
Thu gọn xong chiến trường mấy phút sau toán lẹ làng rời khỏi điểm kích, âm thầm dẫn theo hai tù binh Việt Cộng đi trở lại bờ rạch lúc trước. Trưởng toán dừng lại mở máy liên lạc gọi tàu chạy vào đón toán. Ngoài anh em chúng tôi còn thêm hai tù binh Việt Cộng vừa mới bắt được tất cả đều leo lên tàu. Thuyền trưởng cùng thủy thủ hải quân Hoa Kỳ trông thấy chúng tôi bắt được “Vixi” đều tỏ thán phục với cử chỉ thân thiện đi ngang giơ ngón tay cái lên trời hàm ý - number one - số dách .
Ðêm về khuya dòng sông Mỹ Tho lững lờ trôi đã vô tình xô đẩy từng đám lục bình dạt khắp muôn hướng. Trong khi hai chiếc tàu vẫn âm thầm nối đuôi xả hết tốc độ chạy trở về căn cứ, khiến nhiều luồng gió trong đêm ào ạt thổi tới đã làm mọi người cảm thấy bây giờ thấm lạnh, vì quần áo tất cả đều ướt trong lúc băng qua mương rạch. Nhìn hai tù binh qua cơn hoảng loạn lần lần tỉnh rượu toàn thân run rẩy. Thấy cảnh thương tâm tôi tìm cách rề tới bên cạnh lấy ra bao thuốc châm lửa, rồi gắn vào trên môi mỗi người một điếu và tìm cách khơi chuyện dò hỏi: “Ðêm nay các đồng chí đi công tác ở đâu mà về khuya khoắt lại say sưa đến thế? Có phải tất cả vừa đi tham dự liên hoan phải không?” Một trong hai tên nhanh miệng trả lời: “Tối nay anh em tôi đi ăn giỗ một đồng chí vừa mới hy sinh.” Rồi chợt nghĩ chuyện đêm qua cả xóm thắp đèn, tôi lại vội hỏi trong xóm các anh tối nay đã xảy ra chuyện gì, mà mọi nhà thắp đèn suốt đêm như vậy? Người tù binh đỡ lời nói tiếp: “Ðó là ám hiệu hằng đêm do cấp trên chúng tôi bắt buộc cả xóm thi hành, đèn thắp sáng suốt đêm chứng tỏ không có địch quân xuất hiện. Còn thấy nhà nào đèn tắt đó là ám hiệu báo động có địch xuất hiện.”
Ðang mải mê trao đổi với người tù binh hai chiếc tàu chạy về cập bến lúc nào không hay. Vừa bước lên khỏi cầu tàu chúng tôi liền giải giao hai người tù binh trao hết cho căn cứ xử trí. Sau đó vài tuần một toán Biệt Hải khác thay thế đã thành công một chuyến công tác hết sức ngoạn mục. Ðột kích chớp nhoáng vào Bộ Chỉ Huy Liên Tỉnh miền Tây của Việt Cộng bắt được tên chỉ huy cao cấp, chuyên phụ trách ngành tình báo trung ương vùng IV do Mặt Trận Giải Phóng miền Nam gửi xuống Mỹ Tho hoạt động (Bài viết “Bóng đêm với sứ mạng”). Chứng tỏ các công tác Biệt Hải trong thời điểm đó ít nhiều đã giúp căn cứ Ðồng Tâm-Mỹ Tho, giảm bớt phần nào các đợt pháo kích hoặc những phá hoại của các toán du kích Việt Cộng nằm vùng.
Ðặc biệt trong khoảng thời gian giữa Tháng Tám năm 1969, các toán lại thay phiên biệt phái vào hoạt động công tác tại đầm Thị Nại còn gọi là đầm sình lầy bên bán đảo Qui Nhơn, bắn chìm được vài ghe thuyền chở đồ tiếp tế vào trong khu đầm sình lầy Việt Cộng. Những chuyến tiếp theo, các toán nằm đợi phục kích đã triệt hạ được một số giao liên ban đêm từ bên bán đảo tìm cách vượt sông để qua thành phố Qui Nhơn liên lạc. Khu sình lầy do du kích Việt Cộng bám giữ khoảng cách căn cứ hải quân Hoa Kỳ không xa nên thường hay gây bất ổn cho căn cứ. Nhận thấy lối đánh du kích Biệt Hải có phần thành công nên sau này cấp chỉ huy Việt-Mỹ lại thay phiên đưa các toán Biệt Hải vào Nam hoạt động những nơi như Cửa Việt, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Năm Căn, Cái Nước, Vĩnh Gia (Kinh Vĩnh Tế), Thất Sơn (Châu Ðốc), Chi Lăng, Hà Tiên và đổ bộ Hoàng Sa năm 1974...

Người ra biển Bắc- Nguyễn Thanh Hòai

LTS.- Ngày 22 Tháng Bảy tới đây, Gia Ðình Biệt Hải sẽ cử hành lễ giỗ lần thứ 5 các tử sĩ thuộc Gia Ðình Biệt Hải. Vào dịp này, ban tổ chức đã cho phát hành “Ðặc san Biệt Hải” với những tài liệu và hồi ức có giá trị. Chúng tôi trích đăng “Người ra biển Bắc” của Nguyễn Thanh Hoài:
(Một nén hương cho người Biệt Hải Nha Kỹ Thuật đã hy sinh trên biển Bắc năm 1964: Hạ Sĩ Vũ Văn Giới)
Ðầu năm 1964, trong một buổi họp giữa Sở Phòng Vệ Duyên Hải (SPVDH) và cơ quan đối nhiệm CSD (Combined Studies Division) tại trụ sở tạm thời của sở tại 52 Bạch Ðằng-Ðà Nẵng, cơ quan đối nhiệm yêu cầu SPVDH thực hiện một công tác phá hoại các chiến đỉnh SWATOW của hải quân Bắc Việt tại Ðồng Hới.
Toán biệt hải của SPVDH đã được tuyển mộ và huấn luyện từ hai năm trước, ráo riết thực tập với sự huấn luyện của các huấn luyện viên SEAL của Hoa Kỳ. Toán này, lấy tên là toán Neptum gồm có 4 nhân viên: 3 nhân viên dân chính theo hợp đồng và một quân nhân thuộc QLVNCH. Kế hoạch hành quân được phối hợp soạn thảo giữa Bộ Chỉ Huy SPVDH và cơ quan CSD Hoa Kỳ. Các không ảnh thường xuyên được cơ quan đối nhiệm cung cấp để cập nhật hóa và chuẩn bị huấn luyện theo nhu cầu của mục tiêu. Căn cứ vào lệnh hành quân, các thành phần liên hệ đều đã chuẩn bị chu đáo... kể cả phần trang bị đặc biệt.
Một buổi chiều hạ tuần Tháng Ba, 1964, cơ quan đối nhiệm trao cho SPVDH một không ảnh vừa chụp được gồm 6 chiến đỉnh SWATOW đang thả neo tại cửa biển Quảng Khê (Quảng Bình). Kế hoạch hành quân được soạn thảo chi tiết và chuẩn bị thuyết trình. Theo kế hoạch, lực lượng hành quân gồm 3 thành phần: chuyển vận, yểm trợ và hành động:
- Thành phần chuyển vận: có nhiệm vụ đưa toán từ căn cứ xuất phát đến điểm thả. Thành phần này do phía cơ quan đối nhiệm phụ trách gồm 1 chiến đỉnh SWIFT, thủy thủ đoàn do thuyền trưởng người Mỹ và 4 thủy thủ người Việt Nam.
- Thành phần yểm trợ: do toán Biệt Hải Cumulus đảm trách gồm toán trưởng và 4 nhân viên biệt hải. Ngoài phần vũ khí và trang bị cá nhân, toán dùng một thuyền cao su có gắn máy để đưa thành phần hành động từ tàu mẹ (SWIFT) vào cách bờ chừng 1 cây số và thả toán theo giờ ấn định. Sau khi thả toán hành động xong, thành phần yểm trợ trở ra vùng hoạt động chờ và đón thành phần hoạt động sau khi hoàn thành công tác và trở ra biển. Thành phần hành động sẽ dùng đèn bấm và hồng ngoại tuyến để liên lạc.
- Thành phần hành động: gồm 4 nhân viên biệt hải thuộc toán Neptum. Ngoài phần trang bị cá nhân của một người biệt hải, mỗi nhân viên đều được trang bị 4 quả mìn loại “LIMPET” với ngòi nổ chậm đã được điều chỉnh từ trước để gắn vào tàu Bắc Việt.
Rồi một điều đáng tiếc xảy ra, trước khi trưởng công tác thuyết trình lần chót và trưởng toán tái thuyết trình cho toán thì trưởng toán Hoàng Thành bị bệnh bất ngờ nên phải ở lại. Toán phó Vũ Văn Giới thay toán trưởng đảm nhiệm công tác. Ngày N giờ G được ấn định xong. Lực lượng hành quân tới khu cấm bằng hai xe Dodge để xuống căn cứ xuất phát tại bến tàu Tiên Sa:
- Thành phần hành động được tháp tùng bởi trưởng công tác (Case Officer).
- Thành phần yểm trợ được tháp tùng bởi trưởng trại Mỹ Khê.
- Thành phần vận chuyển do cơ quan đối nhiệm phụ trách.
Khi lực lượng hành quân xuống đến bến tàu, Thiếu Tá Ngô Thế Linh, chỉ huy trưởng SPVDH, vị đại diện NKT và phía đối nhiệm đã có mặt đầy đủ và thủy thủ đoàn SWIFT cũng đã sẵn sàng. Thiếu Tá Linh bắt tay từng chiến hữu một, khuyến khích từng anh em kể cả thủy thủ đoàn. Ðúng giờ xuất phát, chiếc SWIFT rời hải cảng Ðà Nẵng tiến về phía bóng đêm miền biển Bắc... Theo cuộc giải trình hành quân với thành phần yểm trợ thì được biết như sau:
Khi đến gần địa điểm thả ấn định, thuyền trưởng SWIFT cho lệnh thả thuyền cao su và cả hai thành phần xuống thuyền. Ðến điểm thả, thuyền trưởng cho lệnh cắt dây. Toán trưởng yểm trợ cho thuyền cao su tiến vào bờ theo hướng ấn định. Khi cách bờ ước chừng 1 cây số, toán trưởng CUMULUS thả 3 nhân viên hành động để thành phần này tiến vào mục tiêu. Toán yểm trợ quay thuyền trở ra khơi, di chuyển trong vùng hoạt động để chờ và vớt các nhân viên hoạt động. SWIFT chờ ngoài khơi và quan sát cửa Quảng Khê bằng hồng ngoại tuyến. Thời gian trôi qua, thuyền cao su cứ chạy lên chạy xuống mãi mà chẳng thấy đèn báo hiệu của 3 nhân viên hành động. Mãi cho đến hừng đông, khi mặt trời đã nhô lên khỏi mặt biển ở hướng Ðông và một số thuyền của ngư dân Bắc Việt đã ra khơi. Với sự tuyệt vọng cùng cực, thành phần yểm trợ buộc phải ra tàu mẹ để trở về căn cứ xuất phát.
Ðầu năm 1965, báo Việt Ngữ xuất bản tại Sài Gòn đăng một bản tin ngắn như sau:
“Theo đài Hà Nội thì Bắc Việt bắt được 3 ‘gián điệp’ của miền Nam tại cửa biển Quảng Khê. Những ‘gián điệp’ này thuộc trại Mỹ Khê. Một trong 3 ‘gián điệp’ chống đối và tìm cách chạy thoát ra biển nên đã bị bắn chết tên là Nguyễn Văn Giới. Hai ‘gián điệp’ bị bắt đều bị tòa án Hà Nội xử kín.”
Ðã hơn 30 năm qua, cuộc đời cá nhân tôi có quá nhiều biến đổi và thăng trầm, kể cả những tháng năm chịu đựng sự đày đọa trong ngục tù Cộng Sản. Những lúc nằm một mình hồi tưởng lại những ngày phục vụ tại Nha Kỹ Thuật, nhớ đến những bạn bè, chiến hữu cùng chịu cảnh tù đày, những anh em cùng gia đình đang sống bên kia bờ Thái Bình Dương, những chiến hữu đã hy sinh vì Tổ Quốc... bao giờ hình ảnh của Vũ Văn Giới cũng hiện lên đậm nét trong tâm hồn tôi. Bởi lẽ, tôi là “trưởng công tác” cùng sinh hoạt với toán trong thời gian dài... Với tinh thần bất khuất, anh đã chiến đấu trong lòng địch cho đến giờ phút chót, chấp nhận hy sinh hơn là để lọt vào tay quân thù.
Trung Úy Nguyễn Thanh Hoài là “trưởng công tác” của toán Neptum trong thời điểm đầu năm 1964.

Chuyến giải cứu phi công Hoa Kỳ lần thứ III



Chuyến giải cứu phi công Hoa Kỳ lần thứ III tại Quốc Lộ 9, Quảng Trị, Tháng Tư, 1972 (Mùa Hè Ðỏ Lửa)
Monday, July 23, 2007

(Ðể tưởng nhớ về các chiến hữu đang sống lây lất cùng cực trên quê hương thân yêu)
LTG.- Thời gian đã trôi qua trên ba mươi năm nên trí nhớ phần nào mai một theo tuổi tác. Bài hồi ký được viết bằng trí nhớ và với chứng kiến của một số bạn bè trong một cuộc góp ý. Ngoài cố vấn Tom Norris UDT Seal ra, các nhân viên toán Biệt Hải tham dự trong chuyến “BAT- 21” hiện tất cả còn sống: Một ở Việt Nam, một ở Úc Châu và ba tại Hoa Kỳ, kể cả tác giả. Tuy nhiên, vấn đề thời gian trong các đoạn viết không được chính xác lắm, mong các bạn tham gia trong chuyến sẵn lòng tha thứ và giúp bổ khuyết. Chúng tôi hi vọng các chiến hữu đại đội thuộc Sư Ðoàn 3 Bộ Binh ở tiền đồn, những người đã góp phần và chứng kiến công tác Biệt Hải giải cứu phi công Hoa Kỳ tại sông Hiếu Giang thuộc cực Bắc Cam Lộ, Quảng Trị Tháng Tư năm 1972 sẽ đọc được bài này. Và không quên cám ơn huynh trưởng Trần Ðỗ Cẩm giúp cung cấp một số tài liệu để nội dung phong phú, chính xác hơn.

Phong Trần


(Hồi ký)
Trên bàn vài đĩa mồi nóng hổi đang bốc khói tỏa mùi thơm ngào ngạt bay tận ngoài ngõ đặt cạnh một lít rượu đế trong chai đã vơi gần hết hai phần và một cái cốc nhỏ dùng rót rượu uống chung. Chứng tỏ nãy giờ mọi người có mặt quanh bàn chuyền tay uống khá nhiều đợt.

Một buổi sáng Chúa Nhật thường lệ chúng tôi từ Trại 9 Blackrock nổi hứng rủ nhau về họp tại nhà Nguyễn Châu cả thảy năm đứa. Ngoài tôi và Châu, ba tên còn lại thuộc đám bạn bè thân quen hiện đang phục vụ trong các toán Biệt Hải.

Vào các ngày cuối tuần hầu như chúng tôi đều được rảnh rỗi, trừ trường hợp toán lên phiên trực hay đi công tác mà thôi. Chúng tôi có thói quen thường rủ nhau về nhà anh chị Nguyễn Châu tụ họp như thông lệ của những thằng độc thân chúng tôi. Ðặc biệt, Châu có biệt tài chế biến đồ nhậu không thua kém hàng quán là bao nên càng hấp dẫn. Xét về tuổi tác, Châu lớn hơn tất cả và có nhiều năm thâm niên hoạt động công tác xâm nhập (bắt đầu từ năm 1963), cộng thêm bản tính hiền lành điềm đạm. Vợ con anh rất quí bạn của chồng nên mỗi khi chúng tôi có dịp lui tới là gia đình vui vẻ thân mật. Tuy mọi người không hoạt động chung toán nhưng tất cả hạp tính tình nên thích thú mỗi lần có dịp họp mặt tại nhà anh chị Nguyễn Châu.

Còn nhớ, ngày 8 Tháng Tư năm 19 72 lúc 11 giờ trưa Chúa Nhật, bất chợt một chiếc xe Jeep do tài xế Hạ Sĩ Nhất Tư từ Bộ Chỉ Huy chạy tới đột nhiên thắng lại đậu ngay trước cổng nhà Nguyễn Châu. Chúng tôi nhìn ra thấy tài xế lật đật xuống xe với dáng bộ khẩn cấp vội vã đi vào, trong khi cả bọn đùa giỡn chuyện trò những mẩu chuyện phiếm lượm lặt kể cho nhau nghe qua hơi men chếch choáng, đột nhiên thấy sự xuất hiện của Tư làm không khí cuộc vui bỗng nhiên khựng lại. Mọi người lầm tưởng hôm nay Tư cũng lang thang tìm vui như bọn tôi nên lái xe nhập bọn giải khuây cuối tuần.
Trong số anh em có đứa nhanh chóng kéo ghế mời ngồi nhưng Tư vội vàng từ chối và tiến tới cạnh tôi và Châu cho biết được lệnh lái xe về đây gọi tôi và Châu phải tới trình diện gấp Bộ Chỉ Huy để nhận công tác ngay buổi chiều nay. Chính anh sẽ chở cả hai chúng tôi tới. Nghe xong lệnh mọi người bàng hoàng.



Riêng tôi vì đang lưu luyến cuộc vui nên tỏ thái độ bất mãn vội lên tiếng chửi thề và tiếp: - Không hiểu đi đâu gấp thế? Hôm qua tao có mặt nguyên ngày trong trại có nghe lệnh lạc gì đâu?
Mặc dầu vậy, tôi và Châu cùng anh em trong bàn vội đứng dậy nâng ly cuối cùng trước khi chia tay. Có những ý nghĩ vẩn vơ thoáng qua biết đâu đây là lần (..?)khiến lòng hồi hộp lo âu. Trước đây tôi từng chứng kiến bạn bè, sau buổi chia tay thế nầy trước sau lần lượt không ngày trở lại. Nghĩ thân phận của người lính trong hoàn cảnh chiến tranh hết sức nguy hiểm hồi hộp, đặc biệt đối với những thằng đi toán chúng tôi “buổi chiều thấy còn, nhưng đêm đã khuất ” nào ai biết được!
Trong tình cảm của Nguyễn Châu cũng ít nhiều bịn rịn vợ con. Dẫu gì anh cũng tìm mọi cách trấn an gia đình giữa lúc bạn bè sum họp vui vẻ tại nhà. Thử hỏi người vợ nào yên lòng khi thấy người chồng thân yêu của mình ra đi đột xuất giữa thời chinh chiến. Riêng tôi thân phận độc thân nên chẳng vương vấn điều gì! Thế rồi phút giây bịn rịn của Châu với gia đình qua mau, hai đứa tôi ngoan ngoãn như những trẻ thơ vội nối gót theo chân của người tài xế ra xe rồi cả hai leo lên ngồi gọn ở hàng ghế sau.


Con đường từ nhà Châu đến kho đạn Yên Thế chỉ độ hơn một cây số. Trên mặt đường đầy sỏi đá lổn nhổn lại nhiều vũng nước nhưng tài xế với gương mặt lạnh lùng gia tăng tốc độ như để cố bắt kịp thời gian giúp chúng tôi đến trình diện đúng giờ khiến chiếc xe chòng chành qua lại chồm tới phía trước một cách miễn cưỡng như con ngựa chứng.
Khi xe chuẩn bị băng ngang qua cổng Trại Yên Thế (kho đạn) người tài xế vội vàng vặn hết tay lái rẽ sang hướng trái, điều khiển chiếc Jeep nhẹ nhàng phóng trên đường tráng nhựa thẳng vào Bộ Chỉ Huy Trại 9 Blackroc.

Tôi rất thắc mắc từ lúc Hạ Sĩ Nhất Tư cho biết nên xoay qua phía Châu hỏi nhỏ: - Anh có biết công tác hôm nay thuộc loại nào không? Giữa lúc tiếng động cơ chiếc xe đang hồi gầm thét cộng thêm tiếng gió ồn ào đập vào thành cửa theo vận tốc của chiếc Jeep trên đà phóng tới nhưng vẫn nghe rõ mồn một từng lời do Châu thuật lại từ đầu câu chuyện:
Cách đây mấy ngày trong đêm tổ chức mãn khóa 1/72 Biệt Hải ra trường ở Câu Lạc Bộ Camp Fay, khi tiệc nửa chừng có lẽ quá vui tao thấy Ðại Úy Thọ đứng giữa anh em nói lớn: “Lần nầy thằng nào muốn chết cứ việc theo tao, ngoại trừ thằng Châu.” (Châu lúc ấy đang phụ trách huấn luyện khóa Biệt Hải 1/72. Trong số khóa sinh có Ðại Úy Thọ và K.). Chờ cho tiệc sắp tàn, tao tìm cách gặp riêng Ðại Úy Thọ hỏi và được ông cho biết sơ qua về chuyến công tác cứu phi công Hoa Kỳ. Sẵn đó tao giới thiệu mầy đi có anh có em cho vui. Còn ngày giờ khởi hành tao hoàn toàn không biết. Hơn nữa vì lý do an ninh nên không hỏi.

Nghe xong tôi lặng người giây lát. Tất cả mọi thắc mắc trăn trở từ nãy như được Châu hóa giải. Nghĩ thân tình giữa tôi và Châu từ khi quen biết cho đến hôm nay, bất cứ chuyện buồn chuyện vui hai đứa đều tìm nhau san sẻ khiến tôi hết sức cảm mến và càng quí anh nhiều hơn.

Hai đứa có mặt tại phòng họp Ban Chỉ Huy Trại 9 đúng 12 giờ trưa. Lúc nầy tất cả nhân viên tham dự đều hiện diện đầy đủ ngoại trừ hai thằng tôi tới trễ. Chúng tôi tiến đến trình diện Ðại Úy Thọ xong rồi tìm chỗ ngồi.

Nhìn thấy ông đang đứng trước tấm bảng đen, còn anh em ngồi dưới đều chú tâm lắng nghe thuyết trình công tác và phân chia phận sự của toán thi hành ngày mai. Theo lời toán trưởng chuyến công tác sắp tới thuộc loại xâm nhập đặc biệt: Tìm cách giải thoát cho một số phi công người Mỹ đang lâm nạn trong vùng kiểm soát của địch.



Trong thời gian qua, máy bay Hoa Kỳ thi hành các phi vụ thám thính, một số đã bị phòng không Cộng Sản Bắc Việt bắn rớt thuộc không phận cực Bắc Quảng Trị. Hai phi công đều nhảy dù xuống dưới đất an toàn. Hiện họ đang ẩn trốn trong vùng dọc theo quốc lộ 9 phía Bắc sông Cam Lộ (còn có tên khác là Hiếu Giang), Quảng Trị. Vùng nầy thuộc địch bố trí và kiểm soát chặt chẽ. Hai phi công lẩn trốn dưới đất vẫn tìm cách liên lạc vô tuyến với các máy bay thám thính “L19” trên không vào mỗi đầu giờ. Bởi thế đã có nhiều phi vụ bí mật thả những thùng đồ ăn “Ration C” xuống đất tiếp tế.


Tới đây trưởng toán Thọ nhấn mạnh và nhắc nhở anh em hãy tránh xa mỗi khi trông thấy những thùng “Ration, C”. Lý do trong đó một số đồ hộp đã được cơ quan gài sẵn chất nổ rất ư nguy hiểm. Chỉ riêng phi công mới biết ám số an toàn các loại thực phẩm dành riêng cho họ mà thôi. Mục đích để đề phòng trường hợp các cán binh Cộng Sản tìm cách thu nhặt để sử dụng.

Tiếp đến trưởng toán Thọ đến trước một tấm bản đồ chỉ vào các điểm đóng quân để giúp mọi người nhận định rõ các vị trí đóng quân của hai phía “địch - bạn” trong vùng phạm vi trách nhiệm mà toán sắp tới hoạt động. Hiện trên tiền đồn Lô Cốt đang có một đại đội thuộc Sư Ðoàn 3 Bộ Binh QLVNCH đóng quân. Vị trí tính từ địa điểm lô cốt của quốc lộ 9 nhìn ngược hướng Tây Bắc Khe Sanh, kể cả hướng Ðông Bắc bên kia sông Cam Lộ xuyên thẳng ra phía Cửa Việt (Duyên đoàn 16 trước đây của Hải Quân QLVNCH nay bỏ ngõ). Chúng tôi nhìn thấy nhiều ngôi sao màu đỏ tô đậm nét mọc lên san sát, biểu tượng các nơi đóng quân các sư đoàn Bắc Việt. Phần kia có các ngôi sao màu xanh lá cây nằm hướng Ðông Nam là dấu hiệu xác định vùng trách nhiệm của Sư Ðoàn 3 Bộ Binh trấn đóng thì có phần thưa thớt hơn.




Bởi thế một số anh em tỏ ra phân vân khi thấy các vị trí đóng quân trên mặt bản đồ. Tôi liên tưởng lại quãng thời gian Tháng Mười Một năm 1971 trong chuyến công tác giải cứu người lính của đơn vị Lực Lượng Ðặc Biệt Mỹ (người Porto Rico) ở mật khu vùng U Minh Hạ, Cà Mau trước đây (bài Những chuyến công tác cứu tù binh bất thành) càng thêm ưu tư chuyến đi lần này. Lý do cao độ cuộc chiến “Mùa hè đỏ lửa 1972” khác xa rất nhiều. Hơn nữa chuyến công tác U Minh Hạ quân số tham dự khá đông, có tới 21 nhân viên trong đó có 3 cố vấn. Ngược lại lần này vỏn vẹn chỉ 5 nhân viên Biệt Hải cộng cố vấn Tom Norris.

Chuyến này tôi được cấp trên chỉ định làm tiền sát viên dẫn toán đi đầu xâm nhập mục tiêu (mỗi lần xâm nhập đường biển hoặc đường bộ miền Bắc hay miền Nam bổn phận tiền sát phải đi trước dò đường). Chức vụ này đã lắm phen làm tôi hú vía về tính chất hiểm nguy. Những ấn tượng mìn bẫy hoặc có thể làm bia cho địch bắn sẻ cứ ám ảnh tôi như hình với bóng trong mỗi lần công tác.

Thời gian còn phục vụ chung với cố trưởng toán Miễn, thỉnh thoảng gặp nhau ở câu lạc bộ Camp Faye cuối tuần, thừa lúc rượu vào lời ra tôi hay bông đùa: Bộ ông muốn thằng em của ông sớm về bên kia thế giới gặp lại bạn bè hay sao? Nhận thấy nhân sự tiền sát viên đi đầu không hề thay đổi, chẳng những ông không giải quyết mà còn trả lời vắn gọn: - Ð.M. Tao nghĩ số mầy sống lâu hạp với nghiệp tiền sát nên chuyến nào anh em cũng về đầy đủ. Sau nầy trưởng toán Phan Văn đáng cũng thế.


Kể từ đó tật phân bua của tôi tự dưng biến mất trong mỗi lần gặp gỡ lại ông. Rồi tự lòng an ủi: “Mầy phải thi hành theo lệnh” hoặc khi mãn hạn hợp đồng (khế ước) sẽ không ký thêm.
Nhớ lại buổi thuyết trình về chuyến công tác hôm ấy sắp kết thúc chợt nghe trưởng toán Thọ lớn tiếng hỏi : Ai có ý kiến gì nữa không? Mọi người trong phòng nhìn nhau nín thinh, có nghĩa hiện tất cả đã thấu hiểu không còn gì để hỏi nữa. Tiếp đến ông bảo anh em qua bàn bên cạnh ghi lại địa chỉ thân nhân rõ ràng khi cần cấp báo đồng thời chờ lãnh thêm một số quân trang cần thiết cho chuyến công tác ngày mai.



Hành trang gồm có: Hai bộ kaki màu xanh cứt ngựa, loại quân chính quy Bắc Việt thường mặc, hai dây lựu đạn Mini, giày ba ta, flaigun (súng hỏa châu loại lớn hơn cây viết) gồm sáu viên đạn có dây đeo vào cổ, một hay hai bộ còng số 8 và đồ ăn cá nhân C. ration đựng trong bịch Aluminum màu nâu đủ dùng bốn ngày. Ngoại trừ súng cá nhân AK 47 và bốn băng đạn lắp đầy kèm theo áo phao, chân nhái...


Buổi chiều hôm đó mọi người chuẩn bị xong xuôi liếc nhìn đồng hồ đến giờ cơm chiều anh em thuận đường tất cả kéo xuống phòng ăn. Sau buổi cơm trở lại phòng ngủ nằm nghỉ xả hơi, tập trung tinh thần cho sáng ngày mai vì mọi người phải thức dậy sớm.
Hôm sau, ngày thứ hai mùng 9 Tháng Tư năm 1972 lúc 4 giờ 30 sáng, tất cả thành phần tham dự có mặt đầy đủ và sẵn sàng đợi trước sân cờ Bộ Chỉ Huy Trại 9. Hai chiếc máy bay trực thăng do phi hành đoàn người Hoa Kỳ lái không biết từ đâu bay tới có nhiệm vụ bốc toán đáp xuống giữa sân cờ. Ðến phiên mọi người tuần tự nối đuôi leo lên phi cơ ngồi vào vị trí. Tất cả hàng ghế treo toòng teng phía sau lưng hai cây đại liên, cùng lúc hai xạ thủ phi công chia nhau tiến lại chỗ của từng người để kiểm soát dây an toàn trước khi máy bay cất cánh.

Trong số có hai cố vấn Hoa Kỳ là Trung Tá Anderson thuộc cơ quan tiếp cứu (JPRC) của phòng 2 MacSog 80 từ Sài Gòn ra và Ðại Úy Tom Norris UDT SEAL (hiện Norris đang làm cố vấn Biệt Hải) đã có mặt trong máy bay trực thăng.

Về phần nhân viên toán kể cả hành trang cá nhân được chia đều đặt gọn ghẽ trong lòng mỗi chiếc máy bay. Ít phút sau cả hai trực thăng cất cánh bay lên không trung vào lúc năm giờ sáng. Khi máy bay ở trên vị trí cao độ ổn định mọi người cảm thấy se lạnh do cơn gió sáng sớm tinh sương thổi tới. Một phần hai cửa máy bay mở toang để giúp xạ thủ nhìn xuống dưới đất quan sát, trên tay ghìm sẵn cây đại liên sáu nòng sẵn sàng lảy cò.

Trên máy bay lúc nầy có dịp nhìn xuống thấy hình ảnh thân yêu của thành phố Ðà Nẵng về sáng, quê hương thứ hai nơi nuôi tôi lớn khôn. Từ khi rời chốn chôn nhau cắt rốn theo gia đình vào Nam trong đợt di cư chia cắt đất nước năm 1954 đến hôm nay trưởng thành gia nhập Lực Lượng Biệt Hải. Hiện thời đơn vị đóng tại bán đảo Sơn Trà chỉ cách Nhượng Nghĩa làng tôi hơn nửa giờ xe đò, giờ nầy phố phường Ðà thành vẫn chìm giấc ngủ dưới lớp mù sương. Ðó đây loe hoe vài ngọn đèn đường lúc ẩn lúc hiện tỏa ra một thứ ánh sáng vàng nhạt. Khi ngoài chiến trường từng phút từng giây sôi động vẫn có nhiều người âm thầm xông pha trên tuyến đầu quyết giữ gìn bờ cõi chống lại Bắc quân trong số có năm người lính Biệt Hải chúng tôi.



Qua mấy giờ bay hai chiếc trực thăng nhanh chóng bỏ lại Ðà thành sau lưng rồi cánh chim bằng lần lượt băng qua thành phố Huế và tới không phận Quảng Trị lúc 7 giờ 30 sáng. Tại đây, một lần nữa, lợi dụng lúc máy bay lòng vòng chờ lệnh trên cao độ, tôi được dịp tò mò nhìn xuống phía dưới vô tình trông thấy nhiều cảnh tàn phá của chiến tranh hiện ra, tựa như bức tranh “điêu tàn” do người họa sĩ tài danh sáng tác. Chung quanh các làng xã đều tiêu điều xơ xác do trăm ngàn hố bom lớn nhỏ đào xới ngổn ngang đã biến cả vùng đất màu mỡ trước kia nay trở thành nơi hoang phế.
Ðó đây nhiều cụm khói sót lại bốc lên tỏa mùi khét lẹt, phát xuất từ những căn nhà xiêu vẹo còn cháy dở dang bởi những đợt pháo kích qua lại của đôi bên, đủ để biết tình hình hiện ở đây đang chịu áp lực nặng nề của phía Bắc quân. Cùng lúc phi công Hoa Kỳ nhận lệnh từ phía dưới, tuần tự đáp xuống rồi đậu trên khoảng đất trống gần sân cờ Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Ðoàn 3 Bộ Binh.
Khi càng của trực thăng chấm đất chúng tôi mang hết dụng cụ, súng đạn liền rời khỏi trực thăng đi vào một góc sân trước mặt Bộ Chỉ Huy Tiền Phương tìm chỗ ngồi chờ đợi. Riêng Trung Tá Anderson, Ðại Úy Tom Norris và trưởng toán Thọ đi vào phòng hành quân để họp bàn với Bộ Tư lệnh Tiền Phương vùng hỏa tuyến.




Tất cả cảnh tượng vừa trông thấy đã giúp chúng tôi nhanh chóng hình dung được sự hiểm nguy xẩy ra trong những giờ kế tiếp. Tuy lúc nầy bốn chúng tôi đang ngồi sát nhau nhưng mỗi người hình như suy nghĩ khác nhau. Vài anh châm thuốc hút để trấn an tinh thần thói quen mỗi khi đối diện nghịch cảnh. Trước mặt cổng Bộ Chỉ Huy Tiền Phương là quốc lộ I chạy vào phía Nam của thành phố Huế. Bên kia đường hằng trăm lều vải màu trắng của cơ quan Hồng Thập Tự dựng lên san sát có thứ tự. Ðó là nơi chỗ tạm trú của dân tỵ nạn nhiều vùng thôn quê chạy về ẩn tránh.
Suốt thời gian mọi người ngồi ngoài chờ đợi trưởng toán vào họp, bất chợt một cấp chỉ huy đi qua có lẽ vì hiếu kỳ nên ông dừng ngay chỗ chúng tôi rồi hỏi: - Các anh có phải chiêu hồi không? vì quân phục và trang bị của chúng tôi rất giống bộ đội cộng sản). Tất cả đứng dậy chào trả lời không phải. Ông hỏi tiếp: - Thế đơn vị các anh ở đâu ra đây có nhiệm vụ gì?


- Thưa thẩm quyền chúng tôi thuộc Lực Lượng Biệt Hải Sở Phòng Vệ Duyên Hải Nha Kỹ Thuật, tất cả xuất phát từ Ðà Nẵng được lệnh ra đây giải cứu các phi công Hoa Kỳ lâm nạn.
Nghe xong ông lắc đầu tỏ dấu hoài nghi vấn đề giải cứu phi công. Rồi ông cho biết tình hình sơ qua mà các phi công Hoa Kỳ hiện đang gặp phải. Trước đây đã có rất nhiều đơn vị dồn hết nỗ lực tìm cách cứu cấp nhưng mọi việc không thành ngược lại mang nhiều tổn thất. Như để kết thúc câu chuyện tâm tình (vài anh em đến nay vẫn còn nhớ tên “H.” của ông may trên túi áo), ông nói: - Các phi công Hoa Kỳ này cũng giống những người đã chết hiện đang được người sống cố tình nhắc nhở vinh danh, mục đích khích lệ tinh thần người khác sẵn sàng chiến đấu. Chứ thật người chết thì làm sao biết người sống hiện đang làm gì cho họ. Ðồng thời ông cho biết những giờ sắp tới có một chiếc thiết giáp M-113 chạy đến chở các anh ra điểm công tác. Hiện tình hình quanh vùng rất nguy hiểm không thể sử dụng phương tiện trực thăng vì phòng không của chúng dầy đặc.



Trước khi chia tay ông không quên cầu chúc anh em chúng tôi mau sớm thành công được an bình trở về. Cùng lúc chúng tôi trông thấy trưởng toán Thọ và hai cố vấn Hoa Kỳ từ trong phòng hành quân đi ra - lúc đó khoảng 10 giờ sáng - tiến lại chúng tôi cho biết tất cả sẵn sàng lên một chiếc thiết giáp M-113 sắp chạy tới.

Trong thời gian đứng chờ phương tiện, bạn Lê Thanh Tất may mắn gặp được một người bà con tên Dương Ðịnh. Anh nầy cũng học khóa Biệt Hải với tôi trước đây bị rớt vì không qua nổi tuần địa ngục (huấn nhục). Anh đang phục vụ trong đơn vị Kỵ-Binh-Thiết giáp trấn đóng vùng địa đầu Quảng Trị. Trong phút giây ngắn ngủi cả ba chúng tôi không hẹn mà gặp. Ðịnh nhanh nhẹn mở đầu câu chuyện: - Sở dĩ biết được bọn bay sắp sửa ra vùng công tác là nhờ mấy thằng bạn ở M-113. Lát nữa đây chính bọn nó sẽ chở toán Biệt Hải tụi bây ra vùng hoạt động. Nghe đến tên Biệt Hải tao vội tìm tới không ngờ may mắn gặp lại hai thằng mầy.

Rồi không bỏ lỡ câu chuyện, Ðịnh thao thao bất tuyệt về tình hình quanh vùng hết sức sôi động vì áp lực Cộng quân mỗi ngày trở nên nặng nề. Bọn mầy đi chuyến nầy phải hết sức cẩn thận đề phòng.

Nãy giờ tôi đứng lặng thinh lắng nghe lời Ðịnh nói bây giờ mới lên tiếng hỏi lại: - Thế còn mầy ra đây lâu chưa? Ðịnh trả lời vắn tắt: - Từ khi tao rời Biệt Hải rồi gia nhập Thiết Kỵ.

Trước khi bắt tay từ giã hắn quay sang phía Tất bồi thêm: - Ð.M. Không hiểu sau lần nầy tao còn cơ hội gặp lại hai thằng mầy nữa không? Lúc đó ngoài hai đứa tôi còn có Châu cũng đứng cạnh đó.
Câu chuyện trao đổi vắn tắt thế thôi nhưng vô tình đã tác động tâm lý người nghe không ít đặc biệt đối với những người trong cuộc như chúng tôi. Nhưng rồi những ám ảnh ấy vội tan biến khi tiếng động cơ chiếc M-113 đằng xa ầm ĩ chạy tới, mỗi lúc một gần thúc hối mọi người sẵn sàng đứng vào vị thế.



Khoảng mười một giờ trưa tất cả toán được lệnh lên xe và mang vũ khí, hành trang đặt gọn trong lòng của chiếc thiết vận xa. Sau khi hoàn tất, một kỵ binh đứng ngoài vội vàng khóa chặt cửa lại. Cùng lúc tiếng động cơ M-113 nổ rú lên khiến mùi khói dầu bay ra mù mịt. Những vòng xích từ từ chuyển động liên tiếp xoay quanh mâm sắt bấu xuống mặt đường, chiếc thiết kỵ bắt đầu chuyển động qua khỏi cổng Bộ Tư Lệnh Tiền Phương một cách mệt nhọc.

Chặng đường lồi lõm quanh co có nhiều dấu bom để lại chiếc thiết kỵ vẫn độc hành như một chàng hiệp sĩ, băng đồi trượt dốc. Thỉnh thoảng nhả ra nhiều cụm khói như cố lấy sức lao đi. Cuối cùng tới được khu xe đậu phía sau lô cốt tiền đồn lúc bốn giờ chiều .

Chúng tôi lần lượt rời khỏi chiếc M-113. Bất ngờ trước mắt hiện lên một quang cảnh hết sức hãi hùng, còn hơn cả buổi sáng mục kích trông thấy các làng mạc chung quanh Bộ Chỉ Huy Tiền phương ở Quảng Trị. Nơi đây mới thật đúng nghĩa vùng đất đã bị chiến tranh hoàn toàn tàn phá. Xa gần không thấy bóng làng mạc ruộng vườn hoặc người qua lại ngay cả loài thú cũng thế. Ðó đây hàng ngàn hố bom cũ mới chằng chịt đào xới đã biến từng gốc cây ngọn cỏ trở thành khô héo nằm vương vãi khắp nơi.

Trước cảnh tượng tang thương xơ xác miền Trung “đất đào lên sỏi đá”, ngoài thiên tai bão lụt hằng năm thì phần còn lại đều do bàn tay chiến tranh tàn phá đến trơ trụi hẳn. Những người hiện diện dù lạnh lùng chai đá độ nào chăng nữa trong phút giây nầy tâm hồn cũng đành lắng đọng chùng xuống.




Nói về địa điểm tiền đồn, là cái lô cốt của Pháp được kiến trúc theo hình bát giác nằm trên đỉnh đồi xây dựng hết sức kiên cố. Chung quanh lô cốt nhiều lỗ châu mai được trổ giúp cho binh sĩ ở trong có thể chiến đấu hoặc quan sát địa thế ở ngoài một cách dễ dàng. Nghe anh em kể lai lịch cái lô cốt nầy là dấu tích của lính Pháp để lại, sau khi Ðiện Biên Phủ thất trận, họ đều cuốn gói ra đi. Hiện được một đại đội của Sư Ðoàn 3 Bộ Binh QLVNCH dùng làm tiền đồn án ngữ với mục đích kiểm soát đoạn đường huyết mạch trên quốc lộ 9 từ Lào ngược về Quảng Trị.

Phía dưới chân đồi về hướng Tây Bắc có một cây cầu được bắc ngang trên con rạch nhỏ nối liền hai đầu quốc lộ. Anh em ở đây cho biết công binh phe ta dùng chất nổ TNT giật sập cây cầu nầy mấy ngày trước đó, quyết cản ngăn sức tiến quân từng đoàn xe tăng T54 và T72 của các sư đoàn Bắc Việt hiếu chiến xâm lăng ngày ngày lũ lượt chạy về hướng Nam. Cách đó không xa khoảng mấy trăm thước ở hướng Tây Nam chúng tôi trông thấy sáu, bẩy chiếc T54 và T72, con cháu bác Hồ “sinh Bắc tử Nam” đã bị các đơn vị chúng ta dùng súng cá nhân M.72 bắn cháy. Tất cả biến thành đống sắt bất động ngổn ngang.

Các chiến hữu ngậm ngùi kể lại trên xe có một số xạ thủ Bắc quân bị cấp trên của chúng xiềng chân vào các ổ súng. Lúc các tăng T72 hoặc T54 trúng đạn M.72 của ta bắn bị bốc cháy thì những xạ thủ Bắc quân trên xe không thể nào phá còng thoát ra nên tất cả chết cháy thành than trông rất tội nghiệp. Ðồng thời các anh còn đưa chúng tôi xem một số thư từ sách báo của đảng Cộng Sản và của Hội Bà Mẹ Yêu Nước từ miền Bắc gửi vào có mục đích động viên cán binh tham chiến trong Nam.

Ngoài ra, anh em đã tịch thu một số đồ hộp lương khô trong hầm xe tăng Bắc quân. Sau câu chuyện trao đổi tôi may mắn được một chiến hữu tặng lại cuốn nhật ký của một cán binh bộ đội tử trận mà anh tịch thâu được trong số xe tăng bị cháy. Trong cuốn nhật ký người cán binh bất hạnh có bài thơ đầy công thức nhai lại như sau:

Ta là núi hiên ngang trên biển cả
Dù sóng to gió cả chẳng phai lòng
Khắp mình ta, máu đào đã nhuộm đỏ
Anh em ta có chết một đôi người
Chết đôi người nhưng để được ngày mai
Quyền lợi chết dành lại cho kẻ sống
Thì chết đó có chi đâu là uổng
Dứt đời đi mà vẫn cứ yên long

Không biết trong số xạ thủ bị cấp trên chúng xiềng chân chết cháy trong các xe tăng có tên của nhà thơ vô duyên nầy không? Bởi bản chất hiếu chiến nên chúng đã gây không biết bao nhiêu thảm họa cho cả dân tộc Việt Nam lâm cảnh lầm than và nghèo đói tới tận giờ.

Nói về cấp số của đại đội bộ binh đang đóng chốt tiền đồn có khoảng 80 quân nhân được chỉ huy bởi một trung úy đại đội trưởng gốc Thiếu Sinh Quân thuộc Sư Ðoàn 3 Bộ Binh. Ngoài ra đại đội còn được tăng phái thêm hai xe tăng loại M48 được ngụy trang rất kỹ trong hệ thống phòng thủ chung quanh lô cốt.




Lúc anh em bộ binh trông thấy toán Biệt Hải có cả hai cố vấn Hoa Kỳ đến trong buổi chiều thì hầu hết đều phấn khởi vui mừng vì đã tạm thời giúp đơn vị nhanh chóng xóa tan sự bất lợi trong cảnh chiến đấu đơn độc hiểm nguy. Có lẽ anh em đại đội tiền đồn này đang suy nghĩ về những ngày sắp tới nếu gặp chuyện xảy ra hẳn có những vị cố vấn Hoa Kỳ sẵn sàng gọi máy bay hay pháo binh từ ngoài hạm đội bắn vào yểm trợ một cách dễ dàng.

Qua mươi phút mọi người đứng ngoài trao đổi tình hình quanh vùng, anh em trong đồn vội hối thúc chúng tôi nhanh chóng chuyển tất cả dụng cụ vào trong lô cốt, vì ngại bọn tiền sát pháo binh của chúng trông thấy. Nghe nói hằng ngày vẫn có chúng bám sát quanh đây rình rập “như mèo vờn chuột”. Vài anh cho biết thêm tình hình sinh hoạt trên tiền đồn và những giờ địch quân thường pháo kích tới thường vào sáng sớm vừa thức dậy chui ra khỏi hầm làm vệ sinh cá nhân, buổi trưa nấu ăn và lúc xế chiều. Ngoài ra còn nhiều đợt pháo khác nếu cảm thấy khả nghi hay được bọn tiền sát viên của chúng gọi về...

Khi Ðại Úy Tom Norris thấy các nhân viên toán đã sắp xếp xong xuôi chỗ ăn nơi nghỉ, viên cố vấn liền đề nghị trưởng toán Thọ cho toán Biệt Hải xuất phát ngay. Lúc ấy khoảng năm hoặc sáu giờ chiều. Không hiểu suy nghĩ thế nào mà trưởng toán Thọ xoay qua hội ý với Châu (được Châu thuật lại cho biết), có lẽ nghĩ anh hiện là người thâm niên nhất trong toán và được Châu góp ý hoạt động của Biệt Hải xưa nay chỉ chuyên hoạt động công tác về đêm, thành công hay không tất cả dựa vào yếu tố bất ngờ. Nhìn chung tình hình và lộ trình di chuyển hiện tại xem ra không mấy dễ dàng nhất là đang giữa ban ngày, một điều quan ngại hiện quân Bắc Việt quá đông, ước tính cả mấy sư đoàn chính quy từ Bắc mới vào dựa theo nguồn tin tình báo, chúng đang kiểm soát từ Khe Sanh dọc theo hướng Nam trên quốc lộ 9 và cả những vùng lân cận. Toán Biệt Hải nếu như hành động bây giờ trước sau sẽ bị Bắc quân phát giác nhanh chóng bởi những trạm gác hoặc các điểm đóng chốt của chúng trước khi toán Biệt Hải chưa đến mục tiêu.

Nghe lời giải thích hợp lý của Châu nên trưởng toán Thọ nhanh chóng gạt bỏ ý kiến của Tom Norris đề nghị cho toán khởi hành sớm (các công tác Biệt Hải đều do thẩm quyền của trưởng toán Việt Nam quyết định). Riêng anh em còn lại không có ý kiến gì, mọi người đi tìm ba lô mở lấy đồ ăn, giải quyết bao tử trước khi mặt trời chưa lặn.
Ăn uống xong và kiểm lại lần cuối trang cụ cần thiết dùng mang theo, đặc biệt khẩu AK.47 đẩy cơ bẩm cho đạn lên nòng sẵn rồi khóa chốt an toàn cẩn thận và ai nấy xem đó như lá bùa hộ mạng tối nay.

Ðứng trên lô cốt nhìn về hướng Tây của Khe Sanh ánh nắng bắt đầu mờ nhạt, mặt trời từ từ lặng lẽ tìm nơi ẩn núp sau những mỏm núi nhấp nhô, chuẩn bị nhường chỗ cho màn đêm sắp xuống bao phủ quanh vùng. Buổi chiều mới tới đang khi đứng ngoài trò chuyện với anh em bộ binh có nghe họ nhắc đến tên của địa danh Khe Sanh, nơi nầy hiện chúng đang dùng giam giữ quân nhân của các đơn vị QLVNCH khá đông. Thỉnh thoảng anh em bộ binh trên tiền đồn gặp nhiều nhóm quân của ta đã tìm cách đào thoát trốn về được anh em vui mừng đón tiếp.



Ðúng bẩy giờ tối toán chuẩn bị khởi hành bỗng phía dưới chân đồi cách xa lô cốt hơn một nghìn mét, theo tầm mắt còn trông khá rõ vì thời tiết bắt đầu chuyển sang Mùa Hè, cho dù mặt trời đã lặn nhưng vẫn nhìn thấy nhất là ánh đèn của đoàn xe tăng và xe vận tải của chúng di chuyển không biết cả thảy bao nhiêu đoàn. Tất cả bật đèn sáng trưng từng chiếc từng chiếc nối đuôi chạy tà tà trên quốc lộ 9 tiến thẳng về hướng tiền đồn có toán Biệt Hải chúng tôi tạm trú. Ðiều lạ lùng là hầu như cả đoàn xe Cộng Sản không hề nao núng, lo sợ máy bay của QLVNCH và của Hoa Kỳ từ hạm đội ngoài biển bay vào oanh tạc hoặc pháo binh các nơi bắn tới.

Khi đoàn xe chúng sắp chạy gần đến cây cầu dưới sát chân tiền đồn, đã bị đơn vị công binh phe ta giật sập, lập tức cả đoàn tăng T54 và xe Molotova nhanh chóng chuyển hướng băng ngang nhiều ngọn đồi rồi chạy thọc sâu vào lãnh địa thuộc vòng đai Quảng Trị. Thấy vậy một số anh em lẩm bẩm chửi thề “Mẹ kiếp” vì toán đang chuẩn bị khởi hành đã bị Bắc quân mò đến áp đảo tinh thần.
Qua ngày hôm sau cũng thế lúc hai giờ chiều chúng tôi lại phát hiện từng đoàn Molotova của chúng xuất phát từ hướng Cửa Việt tiếp tục bươn bả chạy vào, băng qua nhiều đồng ruộng bỏ hoang bên kia bờ Bắc sông Hiếu Giang một cách thản nhiên khiến nhiều cát bụi bay lên mịt mờ. Tóm lại trong thời gian toán Biệt Hải có mặt trên lô cốt, hàng ngày đều mục kích trông thấy xe cộ phía bộ đội Bắc Việt xuất hiện liền liền khiến mọi người thắc mắc nghĩ ngợi đặt nhiều câu hỏi. Những giờ phút hiểm nguy thế nầy sao lại không thấy máy bay hay pháo binh bắn tiêu diệt hay làm hư hỏng đoàn xe của chúng? Ðồng thời chúng tôi cảm thông chia sẻ sự âu lo của anh em đại đội bộ binh tại đó phải chiến đấu trong đơn độc. Riêng toán Biệt Hải kể cả những người cố vấn bất quá chỉ chịu đựng mấy ngày của chuyến công tác là cùng.

Với tình thế vô vọng thế nầy làm cho tình hình quân sự quanh vùng mỗi ngày thêm tồi tệ và anh em chỉ biết nhìn nhau chia sẻ ưu tư bằng cách lấy “Basto xanh” hoặc thuốc lá Quân Tiếp Vụ mời cùng hút giải khuây. Cho đến hôm nay dù cuộc chiến đã trôi qua trên ba mươi năm kể từ Tháng Tư năm 1972 nhưng mỗi khi có dịp nghĩ tới chuyến công tác Biệt Hải “Bat- 21” ngày đó, tôi hết lòng cảm phục và biết ơn sự hi sinh cao độ của các chiến hữu trấn đóng tại lô cốt tiền đồn trên vùng tuyến đầu dọc quốc lộ 9 Cam Lộ, (Hiếu Giang) tỉnh Quảng Trị năm nào.

Phải công nhận sự dũng cảm chịu đựng của các chiến hữu Ðại Ðội Sư Ðoàn 3 Bộ Binh dù rằng cấp số trên dưới chỉ 80 anh em so với mấy sư đoàn Bắc quân ngày đêm kéo đến bao vây thị oai hay quấy rối. Nhưng các chiến sĩ QLVNCH vẫn một lòng sắt son cùng nhau quyết tâm ở lại bảo vệ vùng giới tuyến địa đầu miền Nam trong thời kỳ khó khăn và nguy ngập chưa bao giờ thấy.
Những ngày tị nạn ở nước ngoài may mắn đọc được tài liệu công tác “BAT-21” đã giúp tôi hiểu rõ nhiều chi tiết và còn biết thêm tên tuổi những người phi công được toán Biệt Hải giải thoát là đại úy phi công Mark Lack và trung tá phi công Hambleton.

Dưới đây chúng tôi chỉ đề cập những phi công mà toán Biệt Hải trách nhiệm giải cứu thuộc “Bat, 21”
(Tóm tắt một số trong tài liệu sưu tầm của Trần Ðỗ Cẩm)
II, BAT-21 bị bắn hạ

Trưa ngày 2 Tháng Tư, 1972, một phi vụ gồm 3 Pháo Ðài Bay B-52 trên đường tới oanh tạc vị trí địch cách Tây Bắc căn cứ Carroll khoảng 2 cây số. Các Pháo Ðài Bay B-52 đều được trang bị nhiều máy điện tử có thể làm nhiễu loạn làn sóng rada hướng dẫn hỏa tiễn phòng không SAM. Nhưng vì có quá nhiều giàn SAM trong vùng nên trong phi vụ nói trên còn có 2 phi cơ EB-66 điện tử chuyên phá rối rada phòng không hộ tống, danh hiệu truyền tin BAT21 và BAT22. Lúc sửa soạn thả bom, các phi cơ B-52 và EB-66 đều phát hiện đang bị nhiều vị trí rada phòng không địch theo dõi. Ðịch phóng lên 3 hỏa tiễn. BAT-21 bị một hỏa tiễn bắn trúng bụng phi cơ gây tiếng nổ và một quả cầu lửa lớn.

Trên phi cơ BAT-21, Trung Tá Hambleton, danh hiệu truyền tin BAT-21 Brovo, lúc đó đang ngồi trên ghế phi hành viên, phía sau phi công, lập tức bấm nút, ghế của ông bung lên và rời khỏi chiếc máy bay bị nạn. Dù của BAT-21 Bravo từ từ rơi xuống đất, tại vị trí cách cầu Cam Lộ khoảng 2 cây số về hướng Ðông, Ðông Bắc.
VI, phi cơ điều không bị bắn hạ

Sau khi nhận tiếp tế tại Ðà Nẵng, phi cơ điều không Nail-38 lại bay ra Quảng Trị để tiếp tục bao vùng cho Bat-21. Tới vùng Cam lộ, chẳng may khi xuống thấp khoảng 2,000 bộ để dễ quan sát, phi cơ bị trúng hỏa tiễn phòng không địch. Quan sát viên Mark Clark ngồi ở ghế sau lập tức bấm nút đào thoát trước, phi công Henderson theo sau.

Phi công Henderson rơi xuống vùng Bắc sông Miếu Giang, cạnh con lộ chạy theo hướng Ðông-Tây và trốn vào một lùm cây. Quan sát viên Marck Clark rơi xuống bờ Nam, chỉ cách bờ nước chừng dăm thước. Cả hai dùng máy truyền tin cấp cứu báo cáo xuống đất an toàn và chỉ cách vị trí của BAT-21 Bravo khoảng 2 cây số. Toán phi cơ trong vùng tìm đủ cách để tiếp cứu nhưng không thành công. Ðến đêm, Henderson bị địch quân phát hiện và bị bắt. Như vậy, ngoài Hambleton, nay còn có thêm nạn nhân Mark Clark cần cấp cứu
Theo tài liệu viết khi xác định được địa điểm Trung Tá Hambleton ẩn trốn ngày 2 Tháng Tư năm 72 lúc 9 giờ tối không quân Hoa Kỳ đã lập một Vùng Cấm Hỏa Lực (No Fire Zone) quanh nơi phi công Hambleton bị hỏa tiễn SAM bắn rơi với đường kính 27 cây số. Vùng cấm hỏa lực này bao trùm hầu hết các vị trí QLVNCH, đặc biệt là Sư Ðoàn III đang bị địch tấn công. Vì thế các đơn vị QLVNCH không còn được máy bay và pháo binh yểm trợ như thường lệ.
Ðây là cơ hội bằng vàng đã giúp Bắc Việt chuyển quân vào các tỉnh của tuyến đấu lãnh thổ miền Nam một cách nhanh chóng, an toàn và công khai không chút e sợ. Như đã viết ở trên, các điểm đóng quân của Sư Ðoàn 3 Bộ Binh sau đó không lâu đã bị Cộng quân tràn ngập. Thật khó tưởng tượng chỉ vì sự việc như đã đề cập trong mà phải hi sinh biết bao sinh mệnh của quân dân vùng giới tuyến Quảng Trị lúc đó và cả cả thời gian sau nầy.
Trở lại chuyến công tác. Gần tám giờ tối màn đêm bắt đầu phủ xuống lạnh lùng che kín tất cả cảnh vật chung quanh nhường chỗ cho các sinh vật sở trường sinh hoạt về đêm trong đó có toán Biệt Hải chúng tôi. Tối nay toán áp dụng chiến thuật di hành theo đội hình hàng dọc. Mỗi người theo thứ tự đi cách nhau ba thước mét, trừ tiền sát viên đã được chỉ định lúc ở phòng thuyết trình.
Tiền sát dẫn toán đi đầu gồm tôi, Tất (cách từ tám đến mười mét) rồi tới trưởng toán Thọ và Tom Norris. Còn Châu và K. đi hậu vệ. Riêng Trung Tá Andy Anderson ở tại tiền đồn phụ trách chỉ huy tổng đài, có nhiệm vụ điều hợp, liên lạc giữa ba trục gồm: Toán Biệt Hải trong vùng công tác, thám thính L19 quan sát trên không và các phi công Hoa Kỳ đang ẩn trốn rải rác khắp trong vùng địch.
Toán chúng tôi rời khỏi tiền đồn được một hạ sĩ quan trực hướng dẫn đi băng qua nhiều vòng kẽm gai mìn bẫy phòng thủ của căn cứ. Nhờ buổi chiều mới tới, lợi dụng lúc đứng chuyện trò ngoài lô cốt với anh em đại đội, tôi có dịp nhìn quanh địa thế. Nên giờ nầy tìm lộ trình dẫn toán đi xuống bờ sông Hiếu Giang cảm thấy không mấy khó khăn. Sông Hiếu Giang khoảng cách hai bờ ước chừng 300 hoặc 400 mét. Ban ngày đứng trên tiền đồn phía bờ Nam nhìn sang có thể trông rõ từng gốc cây mọc bên bờ Bắc.


Sông Cam Lộ được chia nhiều nhánh. Ðặc biệt giữa dòng sông có dòng nước chảy rất mạnh tùy theo nhịp độ thủy triều lên xuống. Ðứng dưới mép bờ sông không thể nào nhìn ngược lên hướng trên quốc lộ 9 để ước đoán khoảng cách trừ khi có bản đồ. Hơn nữa ban đêm càng giới hạn tầm nhìn vì nhiều cây cối cao to mọc lên san sát che khuất phía trước. Vào giữa đêm khuya thanh vắng, thỉnh thoảng vẫn nghe rõ tiếng ho hoặc tiếng khua động phát xuất từ những điểm đóng quân các sư đoàn bộ đội Cộng Sản dội lại.

Ðêm nay bầu trời về khuya cảnh vật chung quanh càng trở nên tịch mịch hoang vắng lạ thường. Tiếng côn trùng tỉ tê vọng lại trong đêm, tựa bao oan hồn “sinh Bắc tử Nam” hay những sinh linh vô tội vì chiến tranh thác oan, kể cả người Biệt Hải không may bị bắt đến phút lìa đời, cũng không được nấm mồ trọn vẹn. Do đó anh em trong lòng lén lên dâng lên nỗi buồn thấm thía khi chợt nghĩ đến lưỡi hái tử thần lảng vảng đâu đây?



Miên man suy nghĩ vài anh sơ ý đụng phải gốc cây, vô tình phá sự bình an của vài con chim đang yên giấc trên các nhành cây khiến nguyên đàn kêu oang oác vụt bay tán loạn làm tất cả chúng tôi giật mình, tưởng chừng như bị địch phát giác theo dõi hướng đi của toán. Di hành ban đêm rất kị: ánh sáng, nền trời, mùi hương, tiếng động dễ dàng bị đối phương phát giác. Về đêm bất cứ tiếng động lớn nhỏ đều tạo cảm giác căng thẳng gây nhiều e ngại cho người đi. Tất cả bây giờ chỉ tin tưởng vào giác quan của chính mình giúp lượng định tình hình, kịp phán đoán cấp thời những sự việc xảy ra xung quanh.

Vả lại bộ đội Bắc quân đang đóng cách toán Biệt Hải di chuyển không xa đã làm tiền sát viên phập phồng lo sợ những đều không may bất ngờ xảy đến. Kịp lúc trong trí nảy sinh ý nghĩ giúp tôi nhanh chóng thay đổi lộ trình bằng cách dẫn toán đi xuống dưới mép nước. Lối di chuyển nầy tuy chậm, thỉnh thoảng gặp vũng nước sâu hoặc những nhánh cây mọc đâm thẳng xuống dưới sông cản đường, nhưng tin tưởng không gây tiếng động hoặc để lại dấu vết giúp chúng nắm bắt theo dõi và tương đối an toàn hơn.
Chúng tôi đến được mục tiêu vào khoảng nửa đêm và không biết hiện toán đã vào sâu được bao nhiêu cây số vì tiền sát viên không giữ bản đồ. Anh em nhận lệnh trưởng toán chia thành nhóm nhỏ ẩn nằm dưới các bụi cây tập trung giác quan nghe ngóng các hướng. Trên quốc lộ 9 có các đơn vị địch đóng quân và phía dưới là dòng sông.

Trước giờ khởi hành mọi người nghe trưởng toán cho biết đêm nay khoảng từ mười hai giờ khuya đến ba giờ sáng, một trong hai phi công sẽ rời khỏi chỗ ẩn trốn và tìm cách đi xuống, lội theo dòng sông ra. Trưởng toán lưu ý mọi người chú tâm quan sát một khi phát giác tức thời báo ngay tất cả cùng biết và hành động thật nhanh đón phi công.





Ðêm nay cả vùng Cam Lộ tối đen như đêm 30 Tết. Không gian hết sức tĩnh lặng. Những đọt cây lớn nhỏ đều đứng yên bất động. Bầu trời không một gợn mây. Vài ngôi sao lưa thưa xuất hiện chiếu ánh sáng li ti như đom đóm lạc loài trong đêm, chứng tỏ thời tiết miền Trung sắp sửa bước sang Mùa Hè oi bức càng làm cảnh vật trong vùng cô tịch một cách đáng ngại chỉ trừ hơi thở đều đặn người phụ tiền sát đang nằm kế cận, hòa lẫn tiếng nước róc rách do dòng thủy triều ồ ạt chảy ra hướng Cửa Việt.


Bất chợt phía trên chính giữa dòng sông tôi phát giác một vật đen lờ mờ xuất hiện, bập bềnh theo dòng nước trôi xuống rất nhanh mỗi lúc càng gần. Ít phút sau đã nhìn được hình thể chiều dài của vật đen khá rõ rệt vụt ngang qua chỗ hai đứa. Sở dĩ trông thấy trước vì hai tiền sát đi đầu hiện nằm vị trí phía trong cùng. và nghe tiếng thở phì phào rất rõ như tiếng trâu bò lội dưới nước ban đêm phát xuất từ vật đen. Quá khả nghi, tôi khều Tất ra hiệu hãy bò thật nhanh thông báo cho trưởng toán Thọ biết để ông kịp thời quyết định. Ít phút sau ở đầu kia đã nghe tiếng sột soạt của Tom Norris đang xỏ chân nhái phóng xuống dòng sông lội theo. Khoảng hai mươi phút sau chúng tôi thấy ông lội trở lại vị trí của toán. Có lẽ dòng nước đang đà chảy mạnh xô đẩy vật đen trôi xa làm Tom Norris không tài nào theo kịp.

Tất cả sự việc xảy quá đột ngột khoảng khắc ngắn ngủi nên anh em trong toán chẳng ai kịp hành động. Hơn nữa đây lần đầu tiên toán Biệt Hải được tham dự công tác vớt người kiểu nầy. Dù vậy cả toán vẫn nằm án binh bất động đợi lệnh.

Tuy không nói ra nhưng thâm tâm mọi người nhất là phần tôi vẫn đinh ninh lúc nãy vật đen, có thể là một trong số phi công đã theo dòng nước trôi ra nhưng không may vuột khỏi tầm tay của toán đang bỏ công chờ đợi. Xem như cơ hội hiếm hoi bị mất. Cùng lúc nghe tiếng đối thoại giữa Tom Norris và Trung Tá Anderson trực máy tại tiền đồn lô cốt. Có lẽ hai người hiện đang đề cập những diễn biến bất thường vừa xảy ra.

Từ khi phát hiện vật đen đã ba mươi phút trôi qua, chúng tôi có lệnh rút lui. Liếc nhìn đồng hồ dạ quang điểm chỉ hơn hai giờ sáng. Trên đường rút ra toán vẫn giữ nguyên đội hình di chuyển theo lộ trình lúc khi đi vào. Ðặc biệt lần nầy mọi người hết sức cẩn thận đề phòng nhất là những chỗ nghi ngờ có địch. Ðiều làm mọi người nơm nớp lo sợ là bầu trời quanh vùng tối đen cộng với cây cối dầy đặc, lỡ mà lọt điểm phục kích của địch chắc chắn không một ai có thể sống sót.

Theo nguồn tin đồng bào tị nạn cho biết hiện bộ đội Bắc Việt tung rất nhiều toán, lục kiếm gắt gao tìm bắt các phi công Hoa Kỳ đang ẩn trốn. Phần tôi từ khi phát giác vật đen và nghe tiếng thở phì phào như người, trong đầu ám ảnh và tự hỏi không biết vật đó vật gì phải người hay không? Nên bụi cây nào sắp sửa ngang qua, tôi đều chú tâm quan sát rất kĩ tuy biết niềm hi vọng hết sức mong manh.

Kể từ khi nhận lệnh rút lui khỏi điểm kích đến giờ toán đã di chuyển được hơn một tiếng đồng hồ. Thoạt nhiên đằng trước mặt tôi phát giác một bụi cây đứng một mình riêng rẽ sát dưới mé nước chỉ cách chỗ tôi từ tám đến mười thước. Cả thân cây rung lên nhè nhẹ từng hồi tựa như đang bị gió thổi, khiến mặt nước quanh đó giao động, ngược với những bụi cây kế cận vẫn đứng yên không hề nhúc nhích đã khiến tôi giật mình hoảng sợ. Ðiều lạ lùng hơn nữa hiện thời tiết oi bức, chung quanh không một luồng gió. Với phản xạ tôi ra dấu cho Tất và cả hai vội vàng nằm xuống nấp sau mô đất. Cùng lúc Tất chuyển tín hiệu về sau để mọi người kế tiếp kịp thời dừng lại đề phòng bất trắc.
Trở lại bụi cây bất ngờ đã được phát giác lúc nãy hai đứa tôi nằm im lìm chờ đợi cố để mắt theo dõi động tĩnh. Mười phút trôi qua mang theo âu lo hồi hộp nhưng những bụi cây kế cận vẫn đứng yên bất động. Duy điểm bụi cây phát giác vẫn từng hồi lay động. Thấy vậy tôi kề tai nói khẽ với Tất: - Hãy chú ý theo dõi và yểm trợ nếu cần. Tao bò đến mục tiêu tìm cách xác định vị trí khả nghi, không thể để toán nằm chờ đây mãi vì bầu trời sắp sáng đến nơi.



Cùng lúc tôi xoay nòng súng AK.47 nhắm thẳng hướng mục tiêu, ngón trỏ sẵn sàng lảy cò nếu tình hình ở điểm khả nghi đột biến. Khi khoảng cách hai bên thâu ngắn bỗng thấy cả bụi cây trở nên rung mạnh. Ðồng thời nghe giọng nói yếu ớt từ dưới góc cây vọng ra hai tiếng “No, No” đã giúp tôi mau chóng nhận định không còn nghi ngờ gì nữa, chính đó là viên phi công Hoa Kỳ mà toán chúng tôi đã suốt đêm bất chấp hiểm nguy tìm kiếm. Ông ta đứng ôm chặt gốc cây cách tôi ước khoảng năm mét. Trên đỉnh đầu ông trông lờ mờ hình như đang phủ một miếng vải ngụy trang. Ngược lại người phi công Hoa Kỳ chắc chắn thấy hai đứa tôi và tưởng toán bộ đội cộng sản săn lùng tìm kiếm được ông, cộng thêm đói khát trong thời gian lẩn trốn khiến tinh thần ông sa sút hoảng sợ.

Còn hai tiền sát chúng tôi khi đã xác định chắc chắn mục tiêu, tôi nằm lại tại chỗ quan sát theo dõi vì sợ người phi công hốt hoảng buông gốc cây, lội theo dòng nước biến mất như trước đây hay do bản năng tự vệ dùng súng lục bắn chúng tôi thì hỏng mọi chuyện. Biết thế tôi ra hiệu bảo Tất tìm cách bò nhanh phía sau trình trưởng toán biết gấp sự việc. Mấy phút sau trưởng toán Thọ và Tom Norris, cả hai tiến lên. Tôi chỉ ngay bụi cây nơi viên phi công đang đứng. Khi xác định vị trí Tom Norris bò tới cách người phi công mấy thước nói vọng vào (có thể mật khẩu nhận nhau). Bất ngờ từ trong bụi cây thấy người phi công trườn ra cùng lúc rồi cả hai quỳ xuống ôm lấy nhau, tưởng như đôi bạn xa cách lâu ngày bỗng dưng gặp lại vui mừng khôn xiết.



Trong phút giây nghẹn ngào vui sướng chúng tôi nghe tiếng của người phi công thì thào trong miệng “Thank !Thank !”. Mọi người gần đó hết sức phấn khởi. Suốt mười ngày đêm ông ta đã bị bộ đội cộng sản truy bức đói khát tưởng chừng sớm muộn bị bắt. Không ngờ đêm nay được toán Biệt Hải cứu sống, lại có sự tham dự của Tom Norris là chiến hữu ông. Không niềm vui nào người phi công có thể đem ra so sánh đối với hai chữ Tự Do. Riêng toán Biệt Hải chúng tôi thì đây là phần thưởng tinh thần vô giá và xem như toán đã hoàn thành chuyến công tác đêm đầu càng gây hi vọng chuyến công tác kế tiếp. Trưởng toán vội bảo anh em cấp tốc rời khỏi chỗ này càng sớm càng tốt vì quanh đây còn trong phạm vi đóng quân các sư đoàn Bắc Việt. Tất cả không chần chờ lẹ làng thận trọng di chuyển và hết sức cẩn thận bảo vệ người phi công tới chỗ an toàn.

Ngày 11 Tháng Tư năm 1972 lúc 7 giờ sáng, toán Biệt Hải dìu được người phi công Hoa Kỳ về dưới triền đồi Lô Cốt. Vùng đất nầy tương đối an toàn thuộc quyền kiểm soát đơn vị trấn đóng. Chúng tôi nhìn thấy sức khỏe của người phi công hiện quá bết bát không thể ông tự di chuyển một mình trèo lên dốc đồi nên anh em kẻ trước người sau thay phiên cõng ông trên lưng, nhắm hướng về phía tiền đồn vừa đi vừa chạy vì sợ Cộng Sản trông thấy thì chúng gọi pháo kích.

Khi cả toán đặt chân trên phần đất Lô Cốt ai nấy đều thấm mệt vì suốt đêm qua thức trắng và căng thẳng. Ðơn vị trong đồn mở cổng chạy ra phụ dìu người phi công vào phía trong đồn. Vài nhân viên Biệt Hải nhanh trí lấy những gói cà phê trong các hộp “Ration C” đem khuấy nước nóng đưa mời người phi công Hoa Kỳ uống. Tiếp nhận ly cà phê trên tay mọi người bỗng thấy trên hai khóe mắt của ông đỏ hoe rồi hai dòng lệ lăn dài. Có nằm trong hoàn cảnh nầy mới hiểu thấu được tình chiến hữu đồng đội bất phân chủng tộc hết sức thắm thiết.

Mười giờ sáng cùng ngày một chiếc thiết vận M-113 không biết từ đâu xuất hiện chạy đến đậu sẵn phía sau Lô Cốt, làm phương tiện để chở người phi công Hoa Kỳ trở về hậu cứ. Khi chiếc M-113 và người phi công thật sự rời khỏi Lô Cốt mọi người mở ba lô lấy khẩu phần lương khô “Ration C” ăn uống qua loa. Ai nấy vội tìm chỗ nằm để giấc ngủ lấy sức tiếp tục chuyến công tác tối nay.
Phần tôi sau khi xong xuôi tìm một chỗ phía trong Lô Cốt nằm xuống định ngủ một giấc cho lại sức. Nhưng thời gian kéo dài mấy tiếng đồng hồ nhưng không tài nào chợp mắt được. Tất cả hình ảnh đêm qua vẫn chập chờn hiện về trong tâm trí khiến thân thể trở nên bải hoải mỏi mệt lạ thường. Khoảng 2 giờ 30 chiều bỗng có nhiều tiếng nổ chát chúa khắp quanh vòng đai Lô Cốt. Một vài trái rớt xuống trúng trên miệng hầm nổi hướng nam . Bắc quân đóng bên kia các ngọn đồi pháo tới làm Lô Cốt rung chuyển liên hồi như thể động đất sau mỗi đợt nổ.



Lúc ấy mọi người đang nằm phía trong vội vàng ngồi dậy xách súng đạn nhắm ngay cửa chính của tiền đồn phóng chạy ra ngoài, định nhảy xuống bất cứ căn hầm phòng thủ nào gần nhất để trợ lực cùng anh em bộ binh chiến đấu. Toán Biệt Hải chỉ tạm trú vài ngày nên không có lệnh đào hầm. Mọi người lo ngại Cộng Sản kéo tới ban ngày mở đợt tấn công nhưng chưa kịp thi hành thì thấy mấy người lính bộ binh dìu Trung Tá Andy Anderson và trưởng toán Thọ từ ngoài lật đật đưa vào phía trong Lô Cốt. Thấy vậy chúng tôi đứng lại tìm băng cá nhân buộc vào vết thương để cầm máu cho hai người. Tom Norris mở máy vô tuyến liên lạc về Bộ Chỉ Huy xin phương tiện di tản thương binh .

Theo một số anh em trong đồn cho biết khoảng hai giờ chiều họ trông thấy hai người đứng trên miệng hầm phòng thủ trên tay cầm ống nhòm quan sát địa thế. Có thể bọn quan sát của chúng đã trông thấy nên gọi pháo kích bắn.

Bốn giờ chiều hôm đó một chiếc thiết giáp M-113 khác tiếp tục chạy tới di chuyển thương binh trong số có trưởng toán Biệt Hải. Thể theo đề nghị của Ðại Úy Thọ muốn Châu cùng đi trên chiếc M-113 để giúp săn sóc. Như vậy tối nay toán mất thêm hai nhân viên công tác và Trung Tá Anderson trực máy liên lạc, tất cả ba người. Hiện còn lại bốn người gồm: ba nhân viên Biệt Hải và Tom Norris (UDT Seal). Không ngờ diễn biến xảy ra đột ngột chiều nay làm hoàn toàn thay đổi chương trình công tác như đã dự tính. Riêng tôi cảm thấy phân vân, lo lắng vì hình ảnh các đoàn xe Molotova và T54 - T72 của đối phương ngày đêm di chuyển trong vùng. Chưa kể những trận pháo kích đã phần nào ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Tối nay toán còn lại bốn người. Chúng tôi tiếp tục nhận lệnh đi giải cứu Trung Tá Hambleton. Nghe nói ông nầy bị thương khá nặng đang trốn sâu trong vùng địch kiểm soát suốt mười một ngày qua. Sức khỏe ông rất bết bát nên không thể di chuyển. Tối nay toán phải tìm cách đi vào gần nơi của ông đang ẩn trốn và đêm nay Ðại Úy Tom Norris sẽ thay thế Ðại Úy Thọ làm trưởng toán. Nghe tin tôi và Tất làm tiền sát tối nay, cả hai phân vân vấn đề trở ngại ngôn ngữ chẳng may chạm địch trên đường di chuyển không biết liên lạc ra sao?

Ngày 11 Tháng Tư năm 1972, Tom Norris cho toán khởi hành có phần sớm hơn lần trước. Lúc gần 7 giờ tối bầu trời bên ngoài vừa nhá nhem mọi người được lệnh sẵn sàng rời khỏi tiền đồn. Ðội hình di chuyển đêm nay vẫn không thay đổi, số nhân viên chỉ có bốn người :Tiền sát đi đầu là tôi, Tất, đến Tom Norris và K. hậu vệ. Lộ trình di hành từ điểm lô cốt xuống bờ sông đêm nay có phần thay đổi. Vì tránh mìn bẫy nên tôi tìm cách đi lệch cách hướng đường mòn cũ tối qua từ 30 đến 40 mét. Tôi nghĩ biết đâu chúng đã để ý theo dõi sự di chuyển lên xuống tiền đồn của toán và tìm cách lén gài mìn bẫy.




Ðêm nầy cũng như chuyến trước, sau mấy giờ lần theo đường bờ sông di chuyển chúng tôi tới được điểm hẹn vào lúc 11 giờ đêm. Trước khi khởi hành chúng tôi nghe K. chuyển lời Tom Norris cho biết, tối nay phi công Hambleton sẽ theo dòng nước trôi ra tương tự như viên phi công Mark Clack đêm qua. Rút kinh nghiệm của chuyến vừa rồi lần nầy ai nấy đều hết sức cẩn trọng, chú ý nhiều hơn. Từ khi đặt chân tới điểm hẹn nằm lại chờ đợi cho đến giờ này, thời gian gần hai giờ trôi qua nhưng vẫn không thấy Hambleton trôi tới theo dòng nước như đã cho biết, mặc dầu hiện giờ dòng thủy triều đang chảy khá mạnh. Bỗng K. chuyển lời Tom Norris cho biết rằng Hambleton không thể rời xa vị trí ẩn núp vì vết thương ông ta quá nặng đồng thời ra hiệu mọi người rút lui. Cả toán vội theo hướng cũ trở ngược ra. Chúng tôi về đến ngoài vòng đai tiền đồn Lô Cốt gần bốn giờ sáng.
Từ lúc đó tôi và Tất không còn thấy Tom Norris và K. đi ngang cho biết họ sẽ ngược lại bờ sông Hiếu Giang tìm ghe để làm phương tiện, tôi và Tất vẫn ở tiền đồn đợi lệnh.
Ngày 14 Tháng Tư năm 1972 lúc 7 giờ 30 sáng, mọi người hiện diện trên Lô Cốt nghe tiếng gầm thét của rất nhiều máy bay phản lực từ hướng biển bay vào giội bom xối xả và thả khói mù xuống dọc hai bên bờ Hiếu Giang. Khoảng 10 giờ sáng thấy K. từ ngoài hối hả vào gọi chúng tôi xuống bờ sông phụ giúp cõng Trung Tá Hambleton lên. Lúc gặp thấy thân hình tương đối khá cao và gầy, một chân ông bị thương, phần da thịt chung quanh đã nhầy nhụa trở thành màu tím. Lý do thời gian khá lâu thiếu thuốc men chữa trị.


Như đã viết ở trên, từ mé bờ sông ngược lên hướng Lô Cốt đường khá dốc nên ba chúng tôi thay phiên cõng ông trên vai, cố tìm cách nâng hẳn hai chân khỏi mặt đất, tương tự như Mack Clack hôm trước. Khi đặt ông nằm xuống bên trong Lô Cốt, quần áo chúng tôi ướt đẫm, một phần do ánh nắng gay gắt buổi sáng đầu ngày.



Khoảng ba hoặc bốn giờ chiều hôm ấy toán Biệt Hải tất cả bốn người được lệnh rời khỏi tiền đồn bằng chiếc M-113 trở về lại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương ở Quảng Trị. Trước khi vào Bộ Tư Lệnh, chúng tôi ngồi chờ phương tiện trở về Ðà Nẵng được một số phóng viên báo chí phỏng vấn, chụp hình... Sau đó gặp một số chiến hữu khác, họ rất ngạc nhiên khi biết toán Biệt Hải thành công. Lý do trước đây mấy ngày chính họ không mấy tin tưởng anh em chúng tôi hoàn thành công tác khó khăn nguy hiểm này.

Từ lúc nhận lệnh thi hành công tác giải cứu các phi công Hoa Kỳ lâm nạn trên sông Hiếu Giang, Cam Lộ theo quốc lộ 9 của tỉnh Quảng Trị giữa Tháng Tư năm 1972, sau Mùa Hè Ðỏ Lửa đến nay thấm thoát thời gian trôi qua đã trên ba mươi năm. Cá nhân tôi cũng như anh em trong toán Biệt Hải tham dự đều không bao giờ nghĩ tới hoặc chú tâm tìm hiểu tên tuổi những phi công Hoa Kỳ mà anh em góp phần tham dự giải cứu. Tự nghĩ đây là nhiệm vụ người lính QLVNCH có bổn phận giúp đỡ người bạn đồng minh Hoa Kỳ đang góp phần để bảo vệ quê hương miền Nam tự do khỏi rơi vào ách thống trị Cộng Sản chẳng may gặp nạn. Hơn nữa nơi đây là tiền đồn “Thế Giới Tự Do” như một số nhân vật tên tuổi Việt và Mỹ từng một thời đề cập.

Mục đích viết bài này muốn nói lên những điều trông thấy, hầu làm sáng tỏ phần nào chuyến công tác bí mật “BAT-21”. Ngoài ra không mang hoài vọng nào khác ngoài hai chữ “âm thầm, phục vụ” được mọi chiến hữu Sở Phòng Vệ Duyên Hải hằng tâm niệm ôm ấp như những ngày còn trong cuộc chiến trước năm 1975.

“Lời cuối chúng tôi xin thay anh em tác giả chân thành cám ơn hai hạm trưởng Nguyễn Mạnh Trí, Trần Ðỗ Cẩm, nhà văn Lê Nhật Thăng, thế hệ II Bùi Thượng Khuê và quí thân hữu sửa chữa, cung cấp hình ảnh giúp cuốn Ðặc San Biệt Hải được hoàn thành trong dịp lễ giỗ kỳ V các anh linh, tử sĩ Biệt Hải, SPVDH/NKT”.