Tuesday, July 28, 2009

Những trích đoạn của "Can Trường Trong Chiến Bại"


LTS. - “Can Trường Trong Chiến Bại,” do Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại chấp bút, ghi lại cuộc đời binh nghiệp của mình. Sách được xuất bản lần đầu vào tháng Ba, 2007, và được tái bản (có bổ sung) tháng Năm, 2007. Dưới đây là một vài trích đoạn trong “Can Trường Trong Chiến Bại,” do chính tác giả cung cấp. Độc giả có thể đặt mua sách tại website http://www.hovanky.com/autobiography.
TRÍCH LỜI MỞ ĐẦU
... Một tấm bảng gỗ có viết một câu để vinh danh người lính cứu hỏa. Tôi rất cảm xúc khi đọc và nghĩ ngay tới người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa nói chung và các thủy thủ và Biệt Hải nói riêng: “Let me win, if I cannot win, let me be brave in the attempt!” Xin tạm dịch: “Xin cho tôi chiến thắng, nếu tôi không thể thắng, xin cho tôi can trường trong nổ lực của tôi.”
Đọc xong câu trên tôi nghĩ lại tại sao chúng ta tiếp tục tự dày vò chúng ta với sự chiến bại mà không hãnh diện về sự can trường của biết bao anh hùng thuộc các quân binh chủng?
VỀ VIỆC ĐẠI TÁ HỒ TẤN QUYỀN BỊ ÁM HẠI:
Ông Lực thuật cho tôi nghe những gì xảy ra từ khi ông gặp tôi lần chót ở sân quần vợt Hải Quân, đặc biệt là việc ông dụ Đại tá Quyền đi theo ông lên xa lộ Biên Hòa rồi đến vườn cao su ở Thủ Đức, với ý định áp đảo và bắt ông Quyền. Ông có đem theo một quả chanh định trói ông Quyền và nhét chanh vào miệng ông Quyền. Ông kể việc ông cầm dao như thế nào và ông Quyền chống cự lại như thế nào, mặc dù trên xe còn có một sĩ quan khác phụ ông. Ông Quyền cưởng lại nên mới bị bắn. Để dẫn chứng ông Lực chỉ bàn tay mặt của ông. Lúc bấy giờ tôi mới thấy là tay mặt ông bị băng trắng hết chỉ ló mấy ngón tay.
CÔNG TÁC TẠI HÒN CỌP:
... Vượt qua vĩ tuyến 17, các chiến đỉnh bao giờ cũng tắt đèn. Trên đảo thì mọi sự đều tối thui. Một màn yên lặng bao trùm các chiến đỉnh và trên đảo.
Bất thình lình, toán Biệt Hải báo cáo bị lộ khi vào gần đến trung tâm đảo phải mở đường máu để thoát ra bờ biển. Toán Biệt Hải đã trễ gần hai tiếng đồng hồ và đã đến giờ ấn định bởi lệnh hành quân cho chiến đỉnh rời vùng vì trời sắp sáng, trung úy Phúc, tuy không phải nhiệm vụ của anh nhưng anh xin đề nghị và tình nguyện xuống một xuồng cao su với một vài thủy thủ đem theo đèn cầm tay để tìm và hướng dẫn các xuồng Biệt Hải ra tàu. Tôi và hạm trưởng của anh đồng ý và rất thán phục hành động can trường của trung úy Phúc. Tôi đưa cho anh mượn khẩu súng lục nhỏ để xử dụng khi cần. Cuối cùng anh đã tìm thấy và hướng dẫn các xuồng Biệt Hải về tàu an toàn.
CHỈ THỊ CỦA TỔNG THỐNG THIỆU VỀ BẢO VỆ HOÀNG SA:
Sau khi trao thủ bút cho tôi, Tổng Thống Thiệu hỏi các vị tướng lãnh bộ binh hiện diện có ý kiến gì không. Không ai trả lời. Ông nói tiếp: “Chúng ta không để mất một tất đất nào cả.”
TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA:
Về phía tàu Trung Cộng thì một chiến hạm bị bốc cháy và khi bỏ chạy bị rướng lên đá san hô. Về phần Hải Quân Việt Nam thì chiến hộ tống hạm Nhựt Tảo bị trúng đạn ngay đài chỉ huy. Hạm trưởng bị tử thương và chiến hạm đang bốc cháy. Chiếc Lý Thường Kiệt cũng bị trúng đạn hải pháo, nước vào rất nhiều và chiến hạm bắt đầu nghiên một bên. Đại tá Ngạc cho biết tình trạng chiếc Nhựt Tảo rất nguy ngập. Tôi chỉ thị nếu có thể được thì cho chiếc nầy chạy thẳng và ủi vào bờ để ít nhứt để xác tàu là một chứng cớ chúng ta quyết tâm bảo vệ hải đảo. Tại chỗ chiếc Nhựt Tảo chìm thì một số thủy thủ đang lềnh bềnh trên mặt nước, người thì đeo phao, người thì bám vào tất cả những gì đang nổi trên mặt nước. Dã man nhứt là khi một số thủy thủ thuộc chiến hạm Nhựt Tảo đa số bị thương, bị tàu Trung Cộng bất chấp quy lệ về hải chiến tiếp tục bắn xối xả vào các chiếc bè, rất may chỉ có một nhân viên bị thương nhờ tất cả nằm sát xuống bè để tránh đạn. Tôi điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân tại Sài Gòn để xin cố vấn Hoa Kỳ can thiệp với Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ đến nơi để cứu vớt các thủy thủ Việt Nam đang bị nạn. Mãi đến mấy ngày sau, chiến hạm Mỹ vẫn không đến mặc dù các thủy thủ đang trôi trên biển trong hải phận quốc tế. Điều đó cho thấy là họ không muốn tham dự vào vụ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng và hơn thế nữa họ cũng không một hành động gì dù là một hành động nhân đạo.
CHIẾN ĐẤU ĐƠN ĐỘC NHƯNG CAN TRƯỜNG:
Sự hy sinh của các thủy thủ can trường vẫn còn là một bằng chứng bằng xương bằng máu để con cháu chúng ta tranh đấu trước tòa án quốc tế để đòi hỏi Trung Cộng phải giao trả các đảo này cho Việt Nam.
Ai là người Việt Nam có quyền hãnh diện là trận hải chiến Hoàng Sa là một trận hải chiến duy nhất của Việt Nam và của thế kỷ, chống ngoại xâm, và bảy thế kỷ sau khi tướng Trần Hưng Đạo đánh bại quân Mông Cổ từ phương Bắc, trên mặt nước.
Còn những ai nghĩ là Việt Nam Cộng Hòa còn lệ thuộc Mỹ phần nào thì đây là bằng chứng rõ rệt là việc tấn công lực lượng Trung Cộng là hoàn toàn do tổng thống Nguyễn văn Thiệu ra lịnh, không có sự đồng ý của Hoa Kỳ và không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ dù là nhân đạo tối thiểu như vớt người trôi trên biển cả.
Hải đội Việt Nam Cộng Hòa nổ súng chỉ là một hành động “tượng trưng nhưng cứng rắn” để chứng tỏ sự bảo vệ chủ quyền các đảo Hoàng Sa chớ không có mục tiêu hủy diệt hải đội của Trung Cộng.
Tổng thống Thiệu bị ở trong thế “chẳng đặng đừng.” Không phản ứng gì hết thì lịch sử sẽ kết tội hèn nhát mà đụng dộ với hải quân của một cường quốc như Trung Cộng thời bấy giờ là một quyết định táo bạo và can trường.
... Tinh thần yêu nước không cần được biểu lộ bằng những lời tuyên bố mát tai của những chính trị gia mà được biểu lộ một cách cảm động và hùng hồn nhất, bởi những thủy thủ của toán đổ bộ của tuần dương hạm Lý Thường Kiệt vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 19 tháng giêng năm 1974 tại Hoàng Sa trên xuồng cao su, khi mười lăm chiến sĩ Hải Quân can trường đồng ca bài “Việt Nam, Việt Nam” khi thấy chiến hạm Trung Cộng bị trúng đạn của chiến hạm Việt Nam. Bài hát này cũng là bài hát cuối cùng của hạ sĩ Nguyễn Văn Duyên vì sau mười ngày trên biển cả, ngày thì nóng cháy da, đêm thì lạnh thấu xương, hết lương thực, hết nước uống, đuối sức, anh Duyên đã trút hơi thở cuối cùng khi trôi dạt về tới Qui Nhơn.
ĐÀ NẴNG BỎ NGỎ
... Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã rời bỏ thành phố này, thành phố lớn nhứt miền Trung và là nơi trú đóng của Bộ Tư Lịnh Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1. Một thành phố bị bỏ ngỏ trong khi bộ binh của địch vẫn chưa vào thành phố.
TƯ LỊNH RỜI CHIẾN TRƯỜNG:
... Đại tá Trí tròng một áo phao vào người ông và tướng Trưởng thốt ra một câu, không biết ông muốn nói với ai: “Coi đây như là một cuộc tự thoát!” Rồi cả hai cùng bơi ra biển. Tướng Trưởng và đại tá Trí lên HQ 402 sau đó chuyển qua HQ 404.
LỊNH TỪ PHỦ TỔNG THỐNG:
... Nội dung của công điện từ Phủ Tổng Thống như sau: “Lịnh của Tổng Thống: lịnh tử thủ vẫn còn hiệu lực. Mọi sự bỏ tuyến đều sẽ quy trách cho Tư Lịnh và đơn vị trưởng.” Trung tướng Trưởng vừa đọc vừa khỏ nhẹ cây viết trên bàn.
SAU CUỘC CHIẾN
Dù thắng hay bại, trong một cuộc chiến tất cả chiến sĩ hai bên đều làm nhiệm vụ của mình dù theo lý tưởng khác nhau.
Sau cuộc chiến những chiến sĩ dù hy sinh cho một lý tưởng nào đó, khi chết trong bộ quân phục, đều là những anh hùng, thì khi đã nằm xuống phải được sự kính nể của những thế hệ sau.
Hai trăm năm nữa con cháu chúng ta khi học lịch sử Việt Nam sẽ không khen người thắng không chê kẻ bại nhưng sẽ ghi nhận sự can trường hay hèn nhát của những người tham chiến.
Vì thế những thế hệ mai sau sẽ không quên những anh hùng đã dũng cảm trên chiến trường từ Hải Quân thiếu tá Lê Anh Tuấn trên sông Nam, cho đến biệt hải Phạm Việt ngoài biển Bắc.



Những Bài Liên Quan:
• Thêm một hồi ký về Cuộc Chiến Việt Nam của người trong cuộc (Friday, March 09, 2007 1:22:56 PM)
Vào lúc 1 giờ chiều ngày mai Chủ Nhật 11 Tháng Ba, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, cựu Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại sẽ ra mắt cuốn hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại”, một cuốn hồi ký được kể lại “với sự thành thật nhất cho dù có động chạm đến một số nhân vật trách nhiệm vào thời gian đó.” Tác giả cho biết như vậy.
• Ðọc “Can Trường Trong Chiến Bại: Hành trình của một thủy thủ”, tác giả Hồ Văn Kỳ Thoại (Friday, March 09, 2007 5:25:56 PM)
“Can Trường Trong Chiến Bại”, cái tên sách mang cái vẻ như một lời biện minh, nhưng trong suốt 330 trang sách, tác giả, cựu phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại không hề biện minh cho một thất bại lớn lao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong biến cố 30-4-1975.
• Cựu phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ra mắt hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” (Sunday, March 11, 2007 2:06:17 PM)
Vào lúc 1 giờ 30 phút chiều Chủ Nhật, ngày 11 Tháng Ba, 2007 vừa qua, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, cựu Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã ra mắt hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” trước gần 200 cựu tướng lãnh, cựu chiến sĩ của các quân binh chủng QLVNCH và đồng hương người Việt Nam vùng Nam California.
• Sổ Tay Cựu Chiến Binh: Phải viết ngay những gì cần viết lại (Tuesday, May 08, 2007 2:33:34 PM)
Ý tưởng cho đầu đề của bài sổ tay hôm nay đến từ những buổi ra mắt sách gần đây tại Nhật Báo Người Việt: “Can Trường Trong Chiến Bại” (Hồ Văn Kỳ Thoại), “Nguyễn Khoa Nam” (Nhiều tác giả) và “Cơn Uất Hạ Lào (Bùi Ðức Lạc).
• Hồi ký của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Tuesday, August 07, 2007 1:48:41 PM)
Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại sanh tại quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, tốt nghiệp Khóa 4 Sĩ Quan Hải Quân (Đệ Nhứt Bắc Giải) tại Nha Trang. Ông Tốt nghiệp trường U.S. Naval Postraduate School (General Line) của Hải Quân Hoa Kỳ tại Monterey, California, khóa cao cấp Quản Trị Nhân Viên tại Pentagon, Washington DC, thực tập trên Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản.

No comments:

Post a Comment